Nhiều kỳ vọng từ Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024
Trong hai ngày 3 và 4-7, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2024 diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Sự kiện quan trọng này được kỳ vọng có tác động sâu rộng đến các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay, ngoài sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia thành viên còn có sự góp mặt của lãnh đạo các nước quan sát viên và các nước đối tác đối thoại, gồm: Mông Cổ, Azerbaijan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Turkmenistan.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Tổ chức An ninh lương thực Hồi giáo, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) là khách mời tham dự sự kiện.
Theo The Astana Times, trọng tâm chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 là “Tăng cường đối thoại đa phương: Theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững”, qua đó tăng cường vai trò của SCO trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay. Các nhà lãnh đạo dự kiến tập trung chủ yếu vào thương mại quốc tế và kinh tế để bảo đảm sự ổn định, an ninh khu vực, cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường, y tế, du lịch, giáo dục, số hóa.
Hội nghị cũng dự kiến thông qua hơn 20 văn kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm Tuyên bố Astana, phản ánh quan điểm của SCO về các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay cũng như các nghiên cứu triển vọng, “Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035”, “Chiến lược phát triển hợp tác năng lượng SCO đến năm 2030”, “Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan giai đoạn 2025-2027” và “Chiến lược phòng chống ma túy của SCO giai đoạn 2024-2029”.
Sau Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 tại Astana, Trung Quốc sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên SCO giai đoạn 2024-2025. Quốc gia này tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để theo đuổi "tinh thần Thượng Hải", thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của SCO, xây dựng một cộng đồng SCO gắn kết hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân trong khu vực, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung của thế giới.
Theo China Daily, SCO được thành lập vào năm 2001 tại Thượng Hải với 6 quốc gia thành viên gồm: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, với mục đích ban đầu là giải quyết những vấn đề biên giới, chống ma túy và khủng bố, hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng tại không gian Á-Âu do cuộc xung đột tại Ukraine cũng như cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc trên thế giới, một số cơ chế đa phương và tổ chức hợp tác như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và SCO đang nổi lên như những đối trọng giúp cân bằng các mối quan hệ khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra động lực mới thúc đẩy môi trường an ninh ổn định, tiến tới thịnh vượng về kinh tế.
Điều đó lý giải vì sao thời gian gần đây, các tổ chức này liên tiếp được mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia khác biệt về tiềm năng quân sự, kinh tế... SCO không nằm ngoài xu hướng đó. Năm 2017, Ấn Độ và Pakistan đã gia nhập tổ chức này. Năm 2023, SCO kết nạp Iran làm thành viên chính thức và tại Hội nghị thượng đỉnh năm nay, Belarus trở thành thành viên mới nhất gia nhập tổ chức này.
China Daily nhận định, bằng cách kết hợp những nhân tố chính trên trường thế giới như Ấn Độ, Pakistan và Iran trong thời gian qua, SCO đã tập hợp được nhiều mối quan tâm và quan điểm khác nhau. “Gia đình SCO mở rộng trải rộng khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, bao gồm 1/2 dân số thế giới và chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu”, tờ báo cho hay, đồng thời nhấn mạnh, việc Belarus trở thành thành viên thứ 10 của SCO trong năm nay cho thấy sức hấp dẫn liên tục và thành phần địa chính trị đa dạng, cũng như chiều sâu chiến lược của tổ chức này.
SCO đã phát triển từ một tổ chức an ninh khu vực ban đầu thành một nền tảng thúc đẩy trao đổi và hợp tác kinh tế, an ninh và văn hóa. Sự gắn kết nội bộ và động lực phát triển mạnh mẽ của SCO giúp tổ chức này có vị thế tốt hơn để giải quyết hiệu quả các rủi ro, nâng cao ảnh hưởng trên trường quốc tế, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu.
Ý kiến ()