Nhiều khu chợ ở Ðác Nông xây bằng vốn 135 đang bị bỏ hoang
Chợ trung tâm xã Quảng Sơn (Đác GLong) có tổng kinh phí xây dựng gần một tỷ đồng nhưng xây dựng xong bỏ hoang. Những năm qua, tỉnh Đác Nông đã đầu tư xây dựng hàng loạt chợ trung tâm các xã vùng 3, vùng sâu, vùng khó khăn từ nguồn vốn Chương trình 135. Mỗi chợ có vốn đầu tư xây dựng từ 600 triệu đồng đến cả tỷ đồng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thương nghiệp ở địa phương... Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng, nhiều chợ đã bộc lộ những bất cập, bỏ hoang, gây lãng phí lớn và bức xúc trong nhân dân.Đầu năm 2010, xã Trường Xuân được UBND huyện Đác Song đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã, trị giá hơn 730 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Thế nhưng, kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, đến nay đã một năm nhưng chợ vẫn bỏ hoang. Dẫn chúng tôi xem ngôi chợ đang xuống cấp, hư hỏng nặng, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Quốc Thụy cho biết: "Khi biết huyện có chủ trương đầu tư...
Chợ trung tâm xã Quảng Sơn (Đác GLong) có tổng kinh phí xây dựng gần một tỷ đồng nhưng xây dựng xong bỏ hoang. |
Đầu năm 2010, xã Trường Xuân được UBND huyện Đác Song đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã, trị giá hơn 730 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Thế nhưng, kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, đến nay đã một năm nhưng chợ vẫn bỏ hoang. Dẫn chúng tôi xem ngôi chợ đang xuống cấp, hư hỏng nặng, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Quốc Thụy cho biết: “Khi biết huyện có chủ trương đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã, chính quyền và nhân dân trong xã rất phấn khởi, vì hàng chục năm nay xã chưa xây được chợ, trong khi nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân rất lớn. Do chưa có chợ, nên nhiều năm qua, hàng chục hộ dân đã tụ tập buôn bán ven quốc lộ 14, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, hy vọng sau khi chợ xây dựng xong sẽ giải quyết được vấn nạn này. Thế nhưng, sau khi xây xong, một năm nay chợ bị bỏ hoang do có một số bất cập”. Chị Phạm Thị Thanh, một tiểu thương buôn bán hàng thịt ven quốc lộ 14 than thở: “Tôi đã buôn bán ở khu vực chợ tạm này gần mười năm nay, khổ sở đủ bề, thường xuyên bị cán bộ xã xuống giải tỏa do cản trở giao thông, mất mỹ quan… Vì vậy, đã nhiều năm nay tôi và nhân dân trong xã mong ước có một cái chợ để vào kinh doanh, buôn bán, khỏi ảnh hưởng trật tự giao thông”. Một số người dân cho rằng quỹ đất của xã còn nhiều, nhưng không hiểu sao chính quyền lại chọn vị trí xây dựng chợ ngay khu đất đồi. Để tạo mặt bằng, phải múc đất đi tạo nên những mái ta-luy đất cao ngay sát chợ, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, trong chợ chỉ mới có điện, còn nước sinh hoạt không có, hệ thống sân bãi từ quốc lộ 14 đến chợ không được láng xi-măng và cũng không có đường dẫn vào, nên mỗi khi mưa xuống thì lầy lội, còn vào mùa nắng lại bụi mù mịt. Chính vì những bất cập này mà tròn một năm, chợ trung tâm xã Trường Xuân xây dựng trị giá gần một tỷ đồng vẫn bỏ hoang phế.
Tương tự, chợ liên xã Đác Hòa – Đác Môl được đưa vào sử dụng từ năm 2007, với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, nhưng đến nay chợ vẫn bỏ hoang, trở thành nơi nghỉ trưa, phơi quần áo, chăn thả gia súc của một số người dân địa phương. Theo UBND xã Đác Hòa, để khuyến khích các tiểu thương chuyển vào trong chợ buôn bán, xã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện giải ngân cho mỗi hộ vay từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng để mua hàng hóa; đồng thời, thực hiện ưu đãi miễn giảm thuế thuê sạp, nhưng vẫn không ai chịu vào chợ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, kinh doanh hàng tạp hóa ở chợ tạm, bức xúc: Trước khi đầu tư xây dựng chợ, huyện và xã đều không họp lấy ý kiến đóng góp của người dân địa phương, nhất là các tiểu thương chúng tôi. Đến khi chợ xây xong thì nảy sinh nhiều bất cập như, xa khu dân cư, chợ chỉ xây dựng được cái vỏ, còn sân bãi chung quanh chợ không được láng xi-măng, mưa xuống thì lầy lội, dơ bẩn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đác Song Thái Thị Tú Anh, việc xây dựng chợ là chủ trương đúng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các xã khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm xây chợ, xã Đác Môl chưa chia tách, khi chợ xây xong thì chia thành hai xã Đác Môl và Đác Hòa (khu chợ hiện nay nằm trên địa phận của xã Đác Hòa). Trong khi đó, tâm lý người dân nông thôn thường ngại ở xã này sang xã kia buôn bán. Hơn nữa, việc kinh doanh trong chợ không thuận lợi như chợ tạm nên người dân không chịu vào. Thời gian qua, huyện đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo hai xã và yêu cầu xã Đác Hòa tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh vào chợ buôn bán mà không thu bất cứ khoản kinh phí nào, thế nhưng người dân vẫn không vào. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp UBND các xã có chợ bỏ hoang tiến hành khắc phục những bất cập và vận động nhân dân vào chợ kinh doanh, buôn bán.
Tại xã vùng 3 Đác Ru, huyện Đác R’lấp, người dân cũng rất bức xúc trước việc chợ trung tâm xã được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng để hoang cả năm nay. Chung quanh chợ, cây cỏ mọc um tùm và một số hạng mục bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương buôn bán ở khu vực trung tâm xã Đác Ru, thắc mắc: “Ở xã vùng sâu này đất đai rộng, nhưng không hiểu sao huyện, xã lại chọn địa điểm xây dựng chợ ở vị trí không thuận lợi về giao thông. Việc xây dựng chợ cũng bất cập, chỉ có cái khung, còn nhiều hạng mục khác như sân bãi, điện, nước, nhà vệ sinh… chưa có, rất bất tiện. Đã vậy, chợ bỏ hoang cả năm nay nhưng không thấy cơ quan chức năng nào của huyện, tỉnh xuống kiểm tra, khắc phục những thiếu sót, đưa vào sử dụng”. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đác Ru Nguyễn Tấn Nào thừa nhận: “Đây là chợ trung tâm xã được xây từ nguồn vốn Chương trình 135, do UBND huyện Đác R’lấp làm chủ đầu tư, với tổng vốn xây dựng gần một tỷ đồng. Từ khi xây xong, huyện bàn giao cho xã quản lý sử dụng, nhưng một năm nay vẫn bỏ hoang. Nguyên nhân, chợ xây quá xa khu dân cư; khu nhà vệ sinh, bãi rác chưa có; các nền chung quanh chợ chủ yếu là đất đỏ, mỗi khi trời mưa trở nên lầy lội. Thời gian qua, xã đã nhiều lần đề nghị huyện khắc phục những bất cập và có kế hoạch đưa chợ vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”.
Ngoài các chợ nói trên, trên địa bàn tỉnh Đác Nông hiện còn hàng loạt chợ trung tâm xã được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 đang bỏ hoang và ngày càng xuống cấp, hư hỏng nặng, như chợ trung tâm xã Cư K’nia (huyện Cư Giút), chợ xã Quảng Sơn (huyện Đác Glong), chợ xã Thuận Hạnh (huyện Đác Song), chợ xã Nhân Đạo (huyện Đác R’lấp)… Phần lớn các chợ này đều được xây dựng khá khang trang, nhưng do những bất cập như nằm ở vị trí không thuận lợi và thiếu một số hạng mục thiết yếu khác nên không thu hút người dân vào chợ kinh doanh, mua bán.
Thiết nghĩ, việc đầu tư xây dựng chợ trung tâm các xã vùng 3, vùng khó khăn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, trước khi xây dựng chợ, chính quyền các cấp cần phải lấy ý kiến đóng góp của người dân địa phương, những người trực tiếp được hưởng lợi, để chợ xây xong đưa vào sử dụng là phát huy hiệu quả, không nên xây dựng tràn lan rồi… bỏ hoang như hiện nay, gây lãng phí lớn và bức xúc trong nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()