Người dân vẫn chủ quan
Xã Hiệp Phước là nơi có số ca mắc SXH cao nhất của huyện Nhơn Trạch, với hơn 300 ca từ đầu năm đến nay, thậm chí cao hơn cả số ca mắc của một số huyện trong tỉnh. Địa bàn này có gần 40 nghìn dân, trong đó, hơn 70% là công nhân, lao động tạm trú tại các phòng trọ. Do đó, ngoài tăng cường diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi, đội ngũ tuyên truyền viên các ấp đã đến các khu nhà trọ hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, nhiều người thuê trọ vẫn chủ quan.
Chị Hồ Thị Ngọc Huệ thuê phòng trọ ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch cho biết: “Tôi đi làm cả ngày, tối mới về, phòng trọ dọn dẹp sạch sẽ nên tối ngủ cũng không mắc màn, tôi thấy ở dãy phòng này ai cũng như vậy”.
Trưởng trạm y tế xã Hiệp Phước Phạm Đức Quá chia sẻ, mặc dù chính quyền địa phương và trạm y tế đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như diệt lăng quăng, ký cam kết phòng SXH nhưng ý thức người dân, nhất là công nhân thuê trọ trên địa bàn vẫn còn hạn chế trong việc phòng bệnh.
Ý thức phòng bệnh của nhiều công nhân sống tại các khu nhà trọ chưa cao là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh SXH tại huyện Nhơn Trạch kéo dài, bùng phát mạnh trong những tháng gần đây. Tính đến nay, Nhơn Trạch đã ghi nhận hơn 900 ca mắc SXH, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó chiếm gần một nửa là công nhân lao động. Trong số ba trường hợp tử vong do SXH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch có đến hai trường hợp, trong đó một nữ công nhân ở xã Hiệp Phước vào cuối tháng tám vừa qua.
Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch Võ Phi Hồng lý giải, nguyên nhân chính SXH tập trung nhiều nhất ở hai xã Hiệp Phước và Phước Thiền, vì hai địa phương này tập trung nhiều nhà trọ, đông công nhân, vệ sinh không sạch sẽ, số ca mắc tập trung ở đối tượng công nhân. Qua khảo sát của ngành y tế tại nhiều khu nhà trọ, công nhân đi làm về tối ngủ không mắc màn.
Trong khi đó, tại TP Biên Hòa, dịch SXH đang ở cao điểm, đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc SXH, tập trung chủ yếu tại các phường, xã có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động như Long Bình, Trảng Dài, Tam Phước và Phước Tân. Tương tự tại huyện Nhơn Trạch, việc tuyên truyền cho người dân phòng bệnh SXH ở các khu nhà trọ ở TP Biên Hòa còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, một số nơi người dân chưa hợp tác về phòng bệnh, ý thức phòng bệnh còn kém.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa, cộng tác viên tuyên truyền phòng chống SXH phường Long Bình, khi lực lượng y tế đến phun xịt hóa chất diệt muỗi, nhiều hộ dân không hợp tác, không mở cửa nhà cho lực lượng y tế tiến hành công việc. Ngoài ra, ý thức của người dân về phòng, chống dịch SXH còn hạn chế, nhiều khu vực dãy trọ khi đoàn đi diệt lăng quăng, bằng cách đổ các vật chứa nước mưa, nhưng hôm sau trở lại vẫn thấy những vật dụng này tiếp tục chứa nước mưa.
Phạt hành chính nếu không hợp tác phòng dịch
Theo ngành y tế Đồng Nai, nguy cơ SXH bùng phát trên địa bàn tỉnh rất cao vì hiện nay ở miền nam vẫn đang là mùa mưa, nhất là tại các khu vực tập trung các khu công nghiệp, nơi có đông công nhân thuê trọ. Do đó, ngành y tế Đồng Nai đang tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt để dập dịch. Cụ thể, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi để ngăn chặn dịch SXH lan rộng. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch SXH, nhất là ở các khu nhà trọ ở TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai Bạch Thái Bình nhận định, “Với đối tượng công nhân thuê trọ, lực lượng y tế gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vì hầu hết họ đi làm rất sớm, đến tối về thì chủ yếu chỉ lo ăn uống, ngủ nghỉ nên ít quan tâm đến dịch bệnh SXH. Do đó, ngành y tế và chính quyền các địa phương phải thay đổi cách thức tuyên truyền, bằng cách đến từng phòng trọ để phổ biến và hướng dẫn cách phòng SXH cho công nhân thuê trọ. Qua đó, người lao động thấy sự nguy hiểm đến tính mạng của dịch SXH, có như vậy, mới hạn chế được dịch SXH bùng phát tại các khu nhà trọ”.
Còn Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Huỳnh Cao Hải khẳng định, để khống chế dịch SXH, ngoài các giải pháp ngành y tế đã và đang triển khai, đã đến lúc các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tổ chức không thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH. Theo ông Hải, thực tế tại một số nơi lực lượng y tế trong quá trình phun xịt hóa chất để diệt muỗi, gặp phải sự phản ứng của không ít hộ dân. Do đó, để thực hiện hiệu quả việc khống chế dịch SXH, cần sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng, nhất là chính quyền ở cơ sở.
Ý kiến ()