Nhiều khó khăn phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội
(LSO) – Việc huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại các đô thị trên địa bàn tỉnh hầu như “đóng băng” trong thời gian dài. Điều này khiến cho việc phát triển đối với 2 loại hình nhà ở này của tỉnh đạt thấp trong nhiều năm qua.
Theo đề án thực hiện chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012 – 2020, chỉ tiêu tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhà ở thương mại là hơn 511.000 m2; nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp là hơn 226.000 m2. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đối với chỉ tiêu về phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đến đầu năm 2019 rất thấp.
Đối với lĩnh vực phát triển nhà ở thương mại, nếu tính cả dự án nhà ở thương mại thuộc dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng, toàn tỉnh thu hút được 4 dự án đầu tư. Trong đó, có 1 dự án đã hoàn thành với diện tích khoảng 6.000 m2, 1 dự án dở dang và 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư với tổng diện tích đã thực hiện khoảng hơn 31.000 m2/511.000 m2, tương đương 6% kế hoạch.
Dự án nhà ở thương mại Shop house do Tập đoàn Vin Group đầu tư tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
Về lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2012 – 2019, toàn tỉnh đang thu hút và thực hiện 2 dự án. Trong đó, một dự án nhà ở xã hội sử dụng ngân sách tỉnh đã thực hiện đầu tư xong với 94 căn hộ và 1 dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đang triển khai lập dự án đầu tư. Tính đến nay, diện tích nhà ở xã hội thực tế chỉ đạt gần 6.400m2/226.000m2, tương đương 2,8% kế hoạch.
Về huy động nguồn vốn, thu hút vốn cho phát triển nhà ở thương mại giai đoạn 2012 – 2019 chỉ đạt 6,2% kế hoạch và phát triển nhà ở xã hội là 4,15% kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả đạt thấp do ban đầu việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển nhà ở quá cao, chưa sát với thực tế. Việc thu hút đầu tư phát triển nhà ở còn thấp do thị trường bất động sản của tỉnh chưa sôi động, đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn vốn lớn và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Theo tính toán của các nhà đầu tư, để giải phóng mặt bằng 1 ha đất để triển khai dự án nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải tốn kém hàng chục tỷ đồng chi phí.
Đối với các dự án đầu tư khu đô thị nhằm tạo quỹ nhà ở thương mại, nếu thực hiện đấu thầu quyền sử dụng đất (trường hợp đất đó đã giải phóng mặt bằng sạch và do nhà nước quản lý thực hiện đấu giá) thì chi phí vào đất sẽ chiếm khoảng gần 50% tổng mức đầu tư dự án. Cụ thể, tại dự án khu đô thị phía Đông thành phố Lạng Sơn do Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư đã trúng đấu giá diện tích 5,5 ha tại khu đất khu nhà máy xi măng cũ thuộc thôn Phai Duốc, xã Mai Pha. Doanh nghiệp này phải chi trả 350 tỷ đồng cho nhà nước để thực hiện dự án, hiện nhà đầu tư đang phá dỡ tạo mặt bằng triển khai công trình.
Hay Công ty Cổ phần Châu á Thái Bình Dương (A PEC) trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đất của Công ty Cơ khí cơ điện Lạng Sơn tại số 85 Lê Đại Hành, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn với diện tích hơn 5.700 m2. Để có khu đất này thực hiện dự án, Công ty này phải chi trả kinh phí cho nhà nước hơn 68 tỷ đồng để được quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Nhằm từng bước tháo gỡ vấn đề này, ông Nguyễn Duy Đông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong tháng 5/2019, Sở sẽ trình UBND tỉnh dự thảo điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012 – 2020 có xét đến 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, sẽ tập trung điều chỉnh chỉ tiêu về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các nhà đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng bằng hình thức đối tác công – tư, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện dự án nhà ở. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ bố trí nguồn lực từ ngân sách để hỗ trợ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
TRANG NINH
Ý kiến ()