Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
LSO-Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Song vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ nhằm phát huy tối đa hiệu quả của đề án.
Người khuyết tật Lạng Sơn áp dụng kiến thức đã học vào làm chổi chít sau khi học nghề |
Theo thống kê của Phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), ước tính 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng được 5.475 người. Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đầu tiên là nguồn vốn được phân bổ cho công tác này giảm. Năm nay, tỉnh được phân bổ 9,8 tỷ đồng, ít hơn 200 triệu đồng so với năm 2016. Tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo cho 6.000 LĐNT, giảm 1.200 LĐNT so với năm 2016.
Bên cạnh đó, có tình trạng các xã chỉ quan tâm đến việc mở lớp, số đối tượng học mà chưa chú trọng định hướng nghề học và hiệu quả sau khi học nghề. Khó khăn không nhỏ là việc ít biên chế giáo viên dạy nghề ở các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Trung tâm nhiều nhất cũng chỉ có 3 giáo viên dạy nghề, có trung tâm chỉ có 1 giáo viên, thậm chí không có giáo viên dạy nghề nào. Phần lớn họ là lao động hợp đồng nên việc dạy nghề cầm chừng.
Một khó khăn dễ nhìn thấy là công tác tuyển sinh học nghề. Tuyển thì dễ vì người dân đua nhau đi học do tận dụng được thời gian nhàn rỗi, được hỗ trợ kinh phí đào tạo mà không biết học xong sẽ làm gì, ở đâu. Có đến 70% học viên sau khi học xong chỉ áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất của gia đình mà không xây dựng được mô hình sản xuất quy mô lớn.
Nút thắt cần được tháo gỡ ngay là việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học nghề. Theo kết luận của đợt kiểm tra công tác đào tạo nghề cho LĐNT của Sở LĐTB&XH tháng 8/2017, ở các huyện chưa đơn vị nào sử dụng hết công suất máy móc, trang thiết bị dạy nghề. Đáng chú ý vẫn còn thiết bị “nguyên đai nguyên kiện” của các nghề: điện dân dụng, điện công nghiệp, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp…
Thực tế cho thấy, trên địa bàn, doanh nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, phân bố không đều nên việc đào tạo đặt hàng, đào tạo lại rất hạn chế. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết: Tháng 4/2017, chúng tôi mở được 1 lớp dạy nghề làm chổi chít cho người khuyết tật. Mặc dù chất lượng sản phẩm được đánh giá tốt, có thể cạnh tranh với thị trường, song do không được bao tiêu sản phẩm nên sản phẩm họ làm ra vẫn phải đi vận động người mua. Hiện họ tập trung làm chổi ở gia đình 1 học viên tại xã Gia Cát và rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…
Theo bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH: Để tránh ồ ạt mở lớp cho “đạt chỉ tiêu tuyển sinh”, các huyện, thành phố cần tư vấn kỹ, định hướng rõ nghề học cho LĐNT, gắn với tìm đầu ra, hướng phát triển nghề sau khi học. Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nghề cần thống kê ngay và lên danh sách đầy đủ. Trước mắt đó sẽ là cơ sở để các xã định hướng nghề học cho học viên; về lâu dài sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người học tham gia học nghề phi nông nghiệp gắn với tuyển dụng lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, ưu tiên tuyển dụng lao động ở khu vực nông thôn để giải quyết vấn đề “đầu ra” sau khi kết thúc các lớp nghề.
Cùng với đó, các ngành chức năng liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương…cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề; tuyên truyền về chính sách dạy nghề để đạt mục tiêu hết năm 2017, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 47,5%, tăng 2% so với năm 2016.
THANH HÒA
Ý kiến ()