Nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau
Qua khảo sát mới đây khi tiến hành cắm mốc, xác định lại vị trí, Ban quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã phát hiện thêm 29 hộ dân sinh sống với 92 ha nằm trong địa bàn quản lý của Vườn Quốc gia và hiện chưa có phương án xử lý cụ thể.
Ngoài ra, trong đợt kiểm tra cuối tháng 9 năm 2014, đơn vị còn phát hiện thêm 7 hộ dân đang sinh sống trên phần đất thuộc khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau quản lý. Điều đáng nói ở đây là những hộ này đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi giao khoán đất vào năm 2009 với tổng diện tích hơn 26 ha, nhưng đến nay, mới phát hiện 7 hộ này lại thuộc phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia. Qua đó cho thấy, công tác quản lý địa bàn còn quá lỏng lẻo, gây ảnh hưởng khá lớn đến công tác xây dựng kế hoạch, giải pháp ổn định đời sống dân cư, cũng như công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong khu vực.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau hiện có tổng diện tích 41.862 ha và 213 hộ sinh sống ở khu phục hồi sinh thái với diện tích 960,7 ha.
Theo báo cáo của Ban quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hiện đơn vị có 90 cán bộ, viên chức và người lao động đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng này được đánh giá còn khá mỏng nhưng lại khó tuyển dụng người bổ sung do tính chất công việc đặc thù, sinh sống và làm việc trong vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, đơn vị phải hợp đồng thêm lao động để thực hiện nhiệm vụ, chất lượng trình độ chuyên môn chưa phù hợp với vị trí làm việc, nên hiệu quả làm việc cũng chưa cao.
Việc triển khai xây dựng các Trạm Kiểm lâm và Trạm Bảo tồn biển trong phạm vi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn chậm và gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là việc phân khai nguồn kinh phí, chưa có nguồn vốn để xây dựng các rào chắn mới để ngăn chặn người dân vào rừng chặt phá lâm sản trái phép.
Bên cạnh đó, đời sống nhân dân trong khu vực Vườn Quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, tình hình dân di cư tự do, dân cư trú trái phép trong và ven Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chưa được sắp xếp, bố trí, di dời ổn định, hầu hết không có tư liệu sản xuất, sống chủ yếu bằng nghề khai thác các sản vật dưới tán rừng và trong khu bảo tồn biển. Điển hình trong số đó là hành vi chặt phá cây rừng để bán, làm hầm than, khai thác nghêu giống trái phép…
Từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có giảm hơn so với cùng kỳ, đã kiểm soát 1.582 lượt, phát hiện 128 vụ vi phạm (giảm hơn 47 vụ), phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 355 triệu đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, tình hình vi phạm khá phức tạp và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, tại một số khu vực rừng bị phá phát sinh một kiểu phá mới đó là cách “tỉa thưa” gây rất nhiều khó khăn cho việc phát hiện. Ngoài ra, khi vi phạm, đa phần không phải là những cá nhân riêng lẻ mà được tổ chức thành nhóm, bố trí người canh giữ và dùng điện thoại để thông tin cho nhau khi phát hiện lực lượng tuần tra. Thậm chí, còn bố trí người theo dõi và bám sát để chờ sơ hở của lực lượng làm nhiệm vụ.
Việc khôi phục lại diện tích rừng bị chặt phá rất chậm vì chủ yếu là để rừng tự tái sinh chứ không thực hiện trồng lại rừng như các khu vực khác. Tình trạng hầm than trái phép vẫn còn tồn tại nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn vì sau khi lực lượng chức năng đến tháo dỡ, phá hủy thì ngay sau đó, các hộ dân lại tiếp tục xây dựng lại hầm than. Công tác tuyên truyền, thuyết phục không đạt hiệu quả, một phần xuất phát từ nguyên nhân do đời sống người dân khó khăn, một phần do công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()