Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5
Quảng Trị tổ chức Ngày hội thống nhất non sông và Lễ thượng cờ Kỳ đài Hiền Lương * Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh
Quảng Trị tổ chức Ngày hội thống nhất non sông và Lễ thượng cờ Kỳ đài Hiền Lương * Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 30-4, tại Khu Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Ngày hội thống nhất non sông với nghi thức Thượng cờ nhân kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và 41 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 – 1-5-2013). Lễ thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Kỳ đài lịch sử mà suốt 20 năm (từ 1955 đến 1975) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã chiến đấu bảo vệ. Lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ Hiền Lương lịch sử đã trở thành biểu tượng của chiến thắng, thống nhất Tổ quốc, thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc, đồng thời là niềm tin, ý chí và sức mạnh của cả dân tộc. Trong không khí trang nghiêm, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ Hiền Lương mở đầu cho các hoạt động văn hóa, thể dục – thể thao chào mừng Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội đua thuyền truyền thống trên dòng sông Bến Hải.
* Tối 30-4, tại sân khấu khu A, Công viên 23-9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn thành phố đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và 127 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, với sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố và du khách nước ngoài.
Tại đêm nhạc đặc biệt, người dân thành phố đã được nghe lại nhiều bài hát thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường của lớp lớp cha ông đã hy sinh thân mình, mang lại hòa bình, tự do cho dân tộc. Mở đầu chương trình, khúc ca hùng tráng “Giải phóng miền Nam” là tình cảm thiêng liêng, hun đúc tinh thần cho cả dân tộc cùng đứng lên đánh giặc và thắng giặc. Hàng vạn chàng trai, cô gái “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” ra đi theo lời hiệu triệu của Ðảng, cùng chiến đấu để tạo nên khí thế tiến công trong những năm tháng “Sài Gòn quật khởi”, làm nên một mùa xuân thắng lợi với niềm vui thống nhất nước nhà. Lần lượt các ca khúc “Vang mãi bản tình ca”; “Xếp bút nghiên – Sài Gòn quật khởi”; “Ðất nước trọn niềm vui”… vang lên trong niềm tự hào về lịch sử dân tộc của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng vào tối 30-4, ngày 1-5, tại sân khấu Sen Hồng, Công viên Gia Ðịnh, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Trung tâm Văn hóa quận 12, Khu di tích lịch sử Láng Le Bàu Cò (huyện Bình Chánh), Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc (quận 9)… cũng có các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.
Từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút, tại khu vực đầu hầm Thủ Thiêm (đường hầm sông Sài Gòn, quận 2) và Công viên Văn hóa Ðầm Sen (quận 11), TP Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp thu hút đông đảo người dân thành phố đến tham dự, chiêm ngưỡng.
* Tối 30-4, tại TP Huế, Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, Viễn thông Thừa Thiên – Huế và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế tổ chức Chương trình ca nhạc đặc biệt “Những bài ca đi cùng năm tháng” nhân kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2013) và Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Chương trình quy tụ nhiều ca sĩ như Trọng Tấn, Việt Anh, Anh Thơ, Mai Lê… cùng đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Trường trung học VHNT Thừa Thiên – Huế trình bày nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc với những bài hát, ca khúc gắn liền với giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc – những khúc ca làm rung động hàng triệu trái tim Việt Nam một thời như: Nối vòng tay lớn, Tình ca, Ðất nước, Giai điệu Tổ quốc, Nổi lửa lên em, Bài ca thống nhất, Hát mãi khúc quân hành… Chương trình nhằm tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc và từ số tiền bán vé thu được sẽ hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách trên địa bàn.
* Sáng 30-4, tại vùng căn cứ cách mạng, Trung tâm hành chính xã nông thôn mới Mỹ Long Nam, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức họp mặt kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Hơn 300 đại biểu đã về dự, cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, đặc biệt là quê hương Mỹ Long (nay tách ra thành xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long) anh hùng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Ngay sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chi bộ Ðảng ở xã Mỹ Long đã sớm được thành lập, là một trong ba chi bộ Ðảng đầu tiên được thành lập ở Trà Vinh. Khi có Ðảng lãnh đạo, quân dân Mỹ Long càng kiên cường chống giặc, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Trong 30 năm chống giặc, xã Mỹ Long đã được giải phóng tám lần. Lần cuối cùng là ngày 23-12-1974 xã Mỹ Long được giải phóng, góp phần to lớn và tạo điều kiện cho huyện Cầu Ngang cùng tỉnh Trà Vinh đi vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam vào ngày 30-4-1975. Từ khi được chọn là một trong 11 xã điểm xây dựng xã nông thôn mới. Ðảng bộ và nhân dân Mỹ Long Nam càng chung lòng, nỗ lực hơn nữa để xây dựng quê hương. Phát huy truyền thống anh hùng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu để triển khai các công trình vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Ðến nay, 19 tiêu chí về nông thôn mới đã hoàn thành. Dù trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm vẫn hơn 16%; thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng tăng lên hơn 25 triệu đồng/người/ năm. Nhiều công trình phúc lợi xã hội được xây dựng đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
* Tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã diễn ra chương trình ca múa nhạc đặc sắc “Bài ca thống nhất” vào tối 29-4, chào mừng kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và 127 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Gần 100 diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật ca múa dân gian trong tỉnh đã tham gia biểu diễn 20 tiết mục ca múa nhạc ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Ðảng và Bác Hồ, thể hiện lòng biết ơn đối với những thế hệ đi trước, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và của tỉnh Thái Nguyên. Nhân dịp này, nhiều tổ chức cựu chiến binh trong tỉnh đã tổ chức gặp mặt, giao lưu ôn lại truyền thống anh dũng với những chiến công hào hùng; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa; tổ chức các đoàn tham quan tìm hiểu về chiến khu cách mạng “Thủ đô kháng chiến”.
* Tối 30-4, tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu, hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đã tham dự khai mạc Liên hoan du lịch “Ðồ Sơn biển gọi – 2013”, mở đầu cho mùa du lịch biển Hải Phòng năm 2013. Ðây là một trong những hoạt động quan trọng khởi đầu của Tuần Văn hóa- Thể thao và Du lịch đồng bằng sông Hồng và nằm trong chuỗi các hoạt động chính của Năm Du lịch quốc gia 2013. Liên hoan cũng góp phần quảng bá, giới thiệu chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và hoạt động quản lý ở khu du lịch Ðồ Sơn. Do dịp nghỉ lễ kéo dài, nên trong dịp này, Ðồ Sơn cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn đông đảo du khách như: Giải gôn du lịch biển, Quần vợt du lịch Ðồ Sơn mở rộng, Giải đua xe đạp, đua thuyền rồng trên biển, biểu diễn dù bay, hội thi câu cá biển…
* Ngày 30-4, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) tổ chức lễ khai trương mùa du lịch biển năm 2013. Lễ khai trương du lịch trùng vào đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5, nghỉ cuối tuần kéo dài nên lượng khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng ở biển Cửa Lò tăng mạnh. Gần 300 khách sạn lớn nhỏ, quy mô 8 nghìn phòng, hơn 15 nghìn giường gần như đã được đặt kín chỗ. Ðể mùa du lịch 2013 hoàn thành vượt chỉ tiêu đón khoảng 2,1 triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, thị xã Cửa Lò tập trung quan tâm công tác bình ổn giá, tạo sự yên tâm, thoải mái cho du khách cũng như tăng uy tín cho thương hiệu du lịch biển Cửa Lò. Không để tình trạng lộn xộn do các phương tiện chuyên chở khách gây ra và để bảo đảm an toàn cho du khách, năm nay thị xã Cửa Lò đã quy hoạch bãi đậu xe điện, quy hoạch các điểm cho thuê ca-nô lướt sóng…
* Sáng 30-4, tỉnh Khánh Hòa đã khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar tại thành phố Nha Trang. Ðây là lễ hội tưởng nhớ Thiên Y Thánh mẫu Ana, được dân gian tôn vinh là người Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ. Hàng vạn người dân trong tỉnh và các tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, TP Ðà Nẵng… đã hành hương về tham dự lễ hội. Cũng trong dịp này, tỉnh Khánh Hòa đã công bố Lễ hội Tháp Bà Ponagar là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận hồi cuối năm ngoái. Lễ hội đã diễn ra nhiều nghi thức như: lễ cầu siêu và thả hoa đăng, lễ cầu “Quốc thái, dân an”, lễ tế cổ truyền, dâng hương lễ Mẫu, lễ hoàn kinh, cúng ngọ cùng nhiều hoạt động: diễn tuồng, múa Chăm, hát chầu văn… Lễ hội kéo dài đến hết ngày 2-5. Trong những ngày lễ hội, khách tham quan sẽ được miễn phí hoàn toàn vé vào cổng.
* Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ (thuộc Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh) vừa tổ chức cuộc thi và khai mạc triển lãm ảnh “ánh sáng thép”. Ban tổ chức đã nhận được hơn 500 tác phẩm của gần 100 nhiếp ảnh gia trên cả nước tham gia, thể hiện hình ảnh của người lính trên thao trường, khi làm nhiệm vụ cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Kết quả, tác phẩm “Trước giờ xuất kích” của Nguyễn Trọng Nghĩa đoạt giải nhất; “Giúp dân cứu lúa” của tác giả Hồng Thái được giải nhì; “Kiểm tra nội vụ” của Nguyễn Hải và “Những người lính canh trời” của Vũ Ngọc Hoàng cùng được đồng giải ba.
* Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn tỉnh Nam Ðịnh, tổ chức cho hơn 150 nữ cựu chiến binh từng tham gia mở đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thăm lại chiến trường xưa; thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn, ngã ba Ðồng Lộc; trao 40 suất quà tình nghĩa tặng các cựu chiến binh và trẻ em nghèo huyện Lao Bảo (Quảng Trị). Ðồng thời tổ chức tìm kiếm đưa hài cốt một liệt sĩ vào Nghĩa trang Trường Sơn; đưa hài cốt một liệt sĩ về quê hương.
Tiết mục “Múa sen” trong chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất” tại sân khấu đền Bà Kiệu (Hà Nội). Ảnh: DUY LINH
Nhandan
Ý kiến ()