Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ
Ngày 5-5, Ban tổ chức cấp quốc gia Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ tổ chức tổng duyệt Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ và Lễ mít-tinh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Dự buổi tổng duyệt có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban Tổ chức kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ cấp quốc gia và các thành viên Ban Tổ chức dự và chỉ đạo chương trình tổng duyệt.
* Tổng duyệt Lễ mít-tinh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ
Theo đó, Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1được thực hiện theo nghi thức quy định; sau phần đọc lời viếng, các đại biểu đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và giải phóng dân tộc; tiến hành thắp hương tại các phần mộ liệt sĩ. Sau Lễ dâng hương là phần tổng duyệt mít-tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
Sau buổi tổng duyệt, BanTổ chức họp rút kinh nghiệm. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đã đưa ra một số ý kiến đánh giá buổi tổng duyệt, đề nghị các thành viên trong Ban Tổ chức xem xét, rút kinh nghiệm từng việc cụ thể.
* Chiều 5-5, UBND tỉnh Ðiện Biên đã tổ chức khánh thành giai đoạn một Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Ðến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và tỉnh Ðiện Biên. Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ được xây dựng trên diện tích 2,2 ha, được thi công xây dựng từ tháng 10-2012 với tổng mức kinh phí hơn 211 tỷ đồng. Khu nhà chính được thiết kế theo hình chiếc mũ nan của người chiến sĩ Ðiện Biên. Phần diện tích trưng bày nội dung cơ bản là 1.400 m2, lớn gần gấp ba lần diện tích sàn nhà trưng bày cũ. Bảo tàng sẽ trưng bày 1.000 hiện vật và hình ảnh với bốn nội dung: Chặng đường chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1953); diễn biến chiến dịch Ðiện Biên Phủ; sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với chiến dịch Ðiện Biên Phủ; tác động của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đối với thế giới và khu tôn vinh những chiến công và sự hy sinh xương máu của quân và dân ta cho chiến thắng. Giai đoạn hai của công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2016 với việc tầng hai được thiết kế thành một bức tranh pa-nô-ra-ma. Ðây là tác phẩm tranh tròn đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nhằm tái hiện chân thực chiến trường Ðiện Biên Phủ.
* Cùng ngày, tại TP Ðiện Biên Phủ, Ban Tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ tổ chức Lễ khai trương Trung tâm báo chí. Dự lễ, có Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước. Trung tâm báo chí do Bộ Thông tinvà Truyền thông thành lập, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn làm Giám đốc, được đặt tại tầng ba Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh Ðiện Biên với quy mô 50 máy vi tính để bàn, kết nối in-tơ-nét với đường truyền tốc độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên đưa tin về Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
* Ngày 5-5, tại TP Ðiện Biên Phủ (Ðiện Biên), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Ðiện Biên tổ chức lễ phát hành đặc biệt Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014). Ðến dự, có Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, lãnh đạo tỉnh Ðiện Biên và các ban, ngành liên quan.
Bộ tem kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ do họa sĩ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, gồm một mẫu tem có giá mặt 3.000 đồng. Bộ tem gồm một mẫu, hình chữ nhật, khuôn khổ 43 x 32 mm, thiết kế theo phong cách đồ họa hiện đại. Hình tượng chính nổi bật trên tem là tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, nền tem là phù điêu về chiến dịch Ðiện Biên Phủ trong khu tượng đài và hình ảnh hoa ban, đặc trưng của vùng Tây Bắc trên bầu trời xanh hòa bình. Ðây là bộ tem thứ bảy về đề tài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và có số lượng phát hành lần đầu một triệu tem cước phí.
* Ngày 5- 5, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức Hội thảo “Chiến thắng Ðiện Biên Phủ – sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”. Ðến dự có các đại diện Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư và khoảng 200 nhà khoa học trong nước và một số nước trên thế giới. Hơn 20 tham luận trong số 52 báo cáo khoa học của các tác giả trình bày tại hội thảo tập trung phân tích, lý giải, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược quân sự của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc mở chiến dịch đông xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ; sự phối hợp giữa các mặt trận trong cả nước và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện… Các tham luận cũng làm sáng tỏ tình đoàn kết của nhân dân ba nước Ðông Dương, sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta. Một số tham luận nêu lên ý nghĩa và tầm vóc to lớn của chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã có tác động, ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Đông đảo cựu chiến binh và nhân dân tham quan di tích hầm Đờ Cát trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ĐĂNG HỒNG
* Ngày 5-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học “Từ Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Hội thảo nêu bật những giá trị lịch sử trường tồn của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng 28 tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả lịch sử nêu rõ sức mạnh của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Ðồng thời, làm rõ thêm những bài học kinh nghiệm của quân dân ta và sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh;…
* Ngày 5-5, tỉnh Hải Dương tổ chức chương trình giao lưu “Tiếp bước chiến sĩ Ðiện Biên”. Dự giao lưu có các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh; các văn nghệ sĩ và các đoàn viên, thanh niên tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Hải Dương.
Thông qua ký ức của những nhân chứng lịch sử, buổi giao lưu khắc họa lại những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là trận Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ðây cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
* Sáng 5-5, Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình tổ chức gặp mặt truyền thống các cựu chiến binh tiêu biểu nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
350 cựu chiến binh đại diện cho 846 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn đã cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa, nhất là thời khắc lịch sử lúc 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, khi lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Tướng Ðờ Cát, kết thúc chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tỉnh Thái Bình đã đóng góp 10 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, ba đại đoàn bổ sung cho bộ đội chủ lực, hàng trăm nghìn tấn thóc cung cấp cho Trung ương và các tỉnh bạn; 9.922 người đã hy sinh và 2.538 người để lại một phần máu xương nơi chiến trường.
* Chiều 5-5, Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 850 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó 34 người trực tiếp tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Tối 5-5, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức giao lưu giữa lãnh đạo tỉnh và thế hệ trẻ với các CCB và cựu TNXP trực tiếp tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()