Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Ngày 14/2, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn (1/3/1923-1/3/2023).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và gia đình. (Ảnh tư liệu) |
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong nêu rõ, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là dịp để tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Trung tướng đối với nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà nói riêng; thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đối với công lao của Trung tướng, qua đó khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương Trung tướng ra sức học tập, lao động để xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.
Theo Ban Tổ chức, các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp các cơ quan Trung ương tổ chức chu đáo, trang trọng, như: Phát động phong trào thi đua yêu nước chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại mộ Trung tướng ở huyện Ba Vì, Thủ đô Hà Nội và nhà thờ gia đình tại xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Tỉnh ủy Quảng Bình phối hợp Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; tổ chức triễn lãm tranh, ảnh về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sẽ được tổ chức vào ngày 24/2.
Ngoài ra, các ngành, đơn vị phối hợp thực hiện chương trình sân khấu thực cảnh “Trở về bến phà xưa” do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản và đạo diễn, diễn ra tại bến phà Xuân Sơn, di tích lịch sử trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Bình, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn); được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, rồi Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, đồng chí được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên – vị tướng tài ba đã gắn liền với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và những chiến công hiển hách của dân tộc.
Tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến đường Trường Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình. Dù đã nghỉ hưu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất và năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý đổi tên công trình xa lộ bắc-nam thành đường Hồ Chí Minh hiện nay.
Nguồn:https://nhandan.vn/nhieu-hoat-dong-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-trung-tuong-dong-sy-nguyen-post738712.html
Ý kiến ()