Ngày 25-8, tại vườn hoa Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long khai mạc triển lãm cây cảnh, đá cảnh nghệ thuật. Đến dự, có Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên trong chuỗi triển lãm cây cảnh, đá cảnh nghệ thuật Hà Nội chào mừng Đại lễ do Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long tổ chức.Triển lãm trưng bày hơn 550 tác phẩm cây cảnh độc đáo, với nhiều chủng loại, kiểu dáng đa dạng và gần 100 tác phẩm đá cảnh, đá quý, đá phong thủy. Trong đó có những tác phẩm cây cảnh mang tính biểu cảm cao như: “Nghênh phong” của họa sĩ Xuân Cường, “Sanh trực, Ngũ phúc” của tác giả Hoàng Ngọc, “Phi lao” của tác giả Tạ Huỳnh, “Sanh cổ thụ dáng làng” của tác giả Tạ Quý…
Cùng với những nghệ nhân, người chơi cây đá cảnh Hà Nội, triển lãm còn có sự tham gia của những người yêu cây cảnh từ 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.
* Tối 25-8, tại Cung Văn hóa – Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội) Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ – xuất nhập khẩu Cội Xưa tổ chức trưng bày bức tranh thêu tay khổ lớn với chủ đề “Cội xưa” – món quà của những người thợ thủ công tỉnh Ninh Bình dành tặng Thủ đô nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến dự, có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bức tranh thêu “Cội xưa” do 100 người thợ ở làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình) thực hiện, có kích thước 31 m x 5,5 m, diện tích hơn 170 m2, với tổng cộng 60 nghìn ngày công. Bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện mối liên hệ, gắn bó giữa Cố đô Hoa Lư và Thăng Long – Hà Nội qua 1000 năm hình thành và phát triển. ” Cội xưa” gồm ba phần nói về Cố đô Hoa Lư và các điểm mốc lịch sử quan trọng của dân tộc thời kỳ Đinh – Tiền Lê – Lý, được bố trí theo thứ tự từ trái sang phải. Phần 1 của bức tranh thể hiện sự ra đời của triều Đinh với hình ảnh câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo/Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”, ẩn dưới đôi câu đối là hoa văn chìm, có hình cậu bé tay cầm bông lau, cưỡi trên lưng một con rồng tượng trưng cho Vua Đinh Tiên Hoàng khi còn nhỏ. Phần 2 thể hiện phong cảnh của Cố đô Hoa Lư qua các dấu tích lịch sử. Các hình ảnh được giới thiệu trên bức tranh là đền thờ Vua Đinh với lá cờ “Thái Bình”, đền thờ Vua Lê với lá cờ “Thiên Phúc”, cầu Đông, cầu Dền, cột Nhất Trụ, chùa Tháp, đình Ngang… và phong cảnh sông núi, nước non, con người mảnh đất Hoa Lư… Phần 3 của bức tranh tái hiện “Thiên đô Chiếu” với họa tiết chìm là hình ảnh chim phượng dang cánh bay, miệng ngậm bút nghiên. Bức tranh sẽ được trưng bày đến ngày 29-8.
* Sáng 25-8, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức lễ gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cho công trình tu bổ đền Voi Phục – trấn Tây của kinh thành Thăng Long xưa. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự lễ gắn biển và dâng hương tại đền.
Theo một số tư liệu cổ, đền Voi Phục được dựng vào năm 1065, đời Lý Thánh Tông, ở phía tây thành Thăng Long, thờ Linh Lang Đại Vương, tương truyền là hoàng tử Hoàng Chân, con trai Vua Lý Thánh Tông, từng có công cầm quân, đánh thắng quân Tống. Thần Linh Lang đã được các triều đại từ thời Lý, Trần, Lê… phong là thượng đẳng phúc thần, là một trong Tứ trấn của thành Thăng Long. Trong đền hiện còn lưu giữ hai pho tượng đồng và nhiều tư liệu Hán Nôm cổ có giá trị. Việc tu bổ, tôn tạo đền Voi Phục bắt đầu thực hiện từ tháng 7-2009, với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Quy hoạch tổng thể hạ tầng sân vườn, tường rào cây xanh, tôn tạo nhà Mẫu, nhà quản tượng, am hóa vàng, giếng ngọc, miếu Tả, miếu Hữu, cải tạo hệ thống điện, nước, chống mối mọt, phòng cháy chữa cháy; mở rộng khuôn viên… Công trình được thành phố gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
* Ngày 25-8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì cuộc họp với các tiểu ban phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đến nay, trong số các công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ, có chín công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng là tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp Tượng đài Vua Lê Thái Tổ, tu bổ, tôn tạo Thăng Long Tứ trấn, Thư viện Hà Nội, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường Đàn Xã Tắc, đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, nút giao thông Kim Liên, đường Lạc Long Quân, Cầu Đen. 14 công trình khác sẽ hoàn thành trước ngày 30-9 như Tượng đài Bác Hồ – Bác Tôn, Tượng đài Thánh Gióng, Bảo tàng Hà Nội, Đại lộ Thăng Long, Công viên Hòa bình, Con đường gốm sứ ven sông Hồng… Thành phố khẩn trương chuẩn bị để khởi công năm công trình sẽ vào dịp Đại lễ, là cầu Nhật Tân, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội – Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, Nhà hát Thăng Long và đường nối cầu Nhật Tân – Nội Bài…
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai công việc một cách khoa học, bám sát từng nhiệm vụ bằng trách nhiệm cao nhất. Thành phố sẽ thành lập cơ quan thường trực tại UBND thành phố. Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ tổng hợp danh mục công việc của từng tiểu ban, phân công công việc cụ thể tới từng sở, ban, ngành, quận, huyện và giao người chịu trách nhiệm. Các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, trang trí để làm nổi bật diện mạo thành phố, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Các quận, huyện chịu trách nhiệm chính kiểm tra, rà soát vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự, văn hóa, kỷ cương đô thị; đồng thời hướng dẫn tổ dân phố, khu dân cư tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí để người dân tham gia với tư cách là chủ thể của Đại lễ, tạo không khí ngày hội.
* Sáng 25-8, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và tranh cổ động về đề tài “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Sau hơn hai tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 810 tác phẩm của 593 tác giả thuộc 49 tỉnh, thành phố trong cả nước dự thi. Hầu hết các tác phẩm thể hiện rõ chủ đề cuộc thi, đa dạng về hình thức thể hiện, phong phú về chất liệu, phản ánh rõ sự tìm tòi sáng tạo phong cách mỹ thuật mới trong sáng tác tranh cổ động. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã lựa chọn 16 tác phẩm để trao giải thưởng về tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trong đó giải nhất thuộc về tác phẩm 65 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam của tác giả Bùi Đại Hào (Hà Nội); 16 giải thưởng về đề tài “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa”, trong đó giải nhất tác phẩm Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, tác giả Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc). Ban tổ chức còn lựa chọn một số tranh có chất lượng trưng bày triển lãm đồng thời phát hành bốn mẫu tranh cổ động, và CD phục vụ công tác tuyên truyền.
Trong dịp này, Cục Văn hóa cơ sở có kế hoạch phối hợp với các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn nhằm tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
* Sáng 25-8, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật và Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức công bố các ấn phẩm sách, đĩa CD-ROM phục vụ kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2010). Đến dự, có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và tập thể tác giả biên soạn các ấn phẩm công bố trong dịp này…
Năm ấn phẩm sách in và một ấn phẩm sách điện tử CD-ROM được công bố là: Việt Nam đổi mới và phát triển; Việt Nam – đất nước, con người; Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngày này năm xưa (hai tập); Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao; Tổng quan lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2010); CD-ROM Việt Nam đổi mới và phát triển. Đây là những tác phẩm đặc sắc và tiêu biểu, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử sâu sắc, được biên soạn bởi tập thể tác giả là các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong nước.
Nội dung các ấn phẩm trên phục vụ kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 có giá trị tổng kết những thành tựu nổi bật mà đất nước ta đã đạt được trong 65 năm qua, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời; phác họa tổng quan về điều kiện tự nhiên, lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội và thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực; phản ánh các sự kiện, công việc thường ngày của Bác Hồ với cách tiếp cận mới, định vị theo thời gian mỗi ngày trong năm, xuyên suốt “79 mùa xuân” của cuộc đời Bác; tổng kết những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà ngoại giao kiệt xuất của Việt Nam. Qua đó rút ra những bài học vận dụng trong thời đại ngày nay. Những tư tưởng của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, là kim chỉ nam mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta trong quan hệ quốc tế; là một công trình nghiên cứu công phu, phác họa lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam từ năm 1925 đến nay, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.
* Tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước (28-8-1945 – 28-8-2010). Tại buổi lễ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tặng UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Nội vụ Bộ sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn 1945 – 1969) và Bộ sưu tập tài liệu Bút tích của Cụ Huỳnh Thúc Kháng (nguyên Quyền Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Tỉnh ủy đã trao tặng ngành Nội vụ tỉnh Bức trướng mang dòng chữ: “Trung thành – Tận tụy – Công tâm – Đoàn kết – Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và Bộ Nội vụ đã tặng Kỷ niệm chương cho 54 đồng chí đã có nhiều đóng góp cho ngành Nội vụ…
* Sáng 25-8, tại TP Huế, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Tuyên giáo T.Ư) phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế tổ chức trao sổ tiết kiệm tình nghĩa thuộc Chương trình “Màu hoa đỏ” tặng 50 gia đình chính sách tiêu biểu tại Thừa Thiên – Huế. Mỗi sổ tiết kiệm trị giá ba triệu đồng, do gia đình Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm tài trợ thông qua Chương trình “Màu hoa đỏ” để ủng hộ, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nghèo…
Quỹ “Màu hoa đỏ” là hoạt động có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như cộng đồng xã hội nói chung, giới doanh nghiệp nói riêng đối với các gia đình đối tượng chính sách. Đây là dịp để tri ân những người có công với cách mạng, đã có nhiều cống hiến, hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc.
Ý kiến ()