Nhiều hoài nghi về một thỏa thuận thương mại giữa EU và Mỹ
Vài ngày sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đạt được “bước đột phá” quan trọng trong việc tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai bờ Đại Tây Dương, Pháp và Tây Ban Nha vẫn bày tỏ hoài nghi về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 26/7 tại Madrid (Tây Ban Nha), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Tây Ban Nha, tuyên bố không ủng hộ một cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU vào thời điểm hiện nay.
Ông nhấn mạnh “một cuộc đối thoại thương mại tốt chỉ có thể được thực hiện trong một mối quan hệ cân bằng và tương hỗ, không bị đe dọa trong mọi trường hợp.”
Về phần mình, Thủ tướng Sanchez bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ. Ông cho hay Tây Ban Nha sẽ bảo vệ chính sách nông nghiệp chung và nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ trong việc hỗ trợ xuất khẩu nông sản của Tây Ban Nha. Ông nêu rõ: “Chúng tôi không muốn bất kỳ cuộc chiến thương mại nào, nhưng các mục tiêu mà EU đã hoàn thành cần được bảo vệ.”
Thủ tướng Sanchez cũng lưu ý rằng tất cả các thỏa thuận do Ủy ban châu Âu (EC) đàm phán phải được Nghị viện châu Âu và tất cả các quốc gia thành viên chấp thuận trước khi đưa vào thực hiện.
Pháp và Tây Ban Nha đều từ chối giảm tiêu chuẩn lao động, y tế hoặc môi trường để đạt được thỏa thuận với Mỹ. Tổng thống Macron lập luận rằng không thể yêu cầu các nhà công nghiệp hoặc nông dân trong nước chuyển sang mô hình bền vững “trong khi ký các thỏa thuận thương mại không tôn trọng các tiêu chuẩn đó.”
Ông cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra “những động thái rõ ràng” rằng Mỹ sẽ rút thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của EU.
Trước đó, ngày 25/7, Tổng thống Trump và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã đồng ý giảm thiểu căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Với kết quả hai bên nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động…, cuộc đàm phán thương mại giữa diễn ra tại Nhà Trắng này được xem là tín hiệu tích cực cho cả hai phía trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-EU gia tăng./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()