Nhiều góp ý cho dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Chương trình tập trung vào nhiều vấn đề như thực hiện quyền xét xử và quyền tư pháp, tổ chức tòa án nhân dân, tuyển chọn - thi tuyển thẩm phán…
Những ý kiến về quyền tư pháp của tòa án
Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi (sau đây gọi là dự thảo Luật), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định quyền tư pháp phải mở rộng tới một phần của giai đoạn điều tra.
Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), Nguyễn Sơn (TP Hà Nội), Trương Thái Hiền (Kiên Giang) nêu quan điểm, để tránh oan sai bỏ lọt tội phạm, cũng như bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân, tòa án phải xem xét đánh giá xuyên suốt quá trình hoạt động từ khi bắt giam giữ khởi tố điều tra truy tố trước đó và mâu thuẫn, hoặc thiếu căn cứ không đúng với quy định của pháp luật. Tòa án có quyền yêu cầu làm rõ điều tra bổ sung. Mặc dù việc này luật hiện hành không cấm mà đã thực hiện trong thực tế nhưng rất mờ nhạt không rõ ràng, mang tính bắt buộc, nên đôi lúc diễn ra xung đột giữa các cơ quan tố tụng. Để khắc phục tình trạng này, luật cần cụ thể hóa. Tòa án có quyền tự mình hoặc trực tiếp chỉ đạo phối hợp với các cơ quan tố tụng khác, thực hiện các hoạt động điều tra.
Đối với cơ quan lập pháp, thông qua hoạt động xét xử, nếu tòa án phát hiện các quy định của pháp luật trái Hiến pháp, có quyền tuyên bố về tính vi hiến của quy định đó và không áp dụng hoặc kiến nghị với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xử lý theo thẩm quyền.
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) nói, để cụ thể hóa quy định về thực hiện quyền tư pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cần quy định theo hướng trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân phải kiểm sát, kiểm tra toàn bộ quá trình của các giai đoạn tố tụng, điều tra, truy tố xét xử, để bảo đảm tính khách quan, tính đúng đắn trong quá trình hoạt động tố tụng. Từ đó, Tòa án nhân dân ra phán quyết một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật để tránh oan sai.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) góp ý, Khoản 2, Điều 3 có quy định quyền trả hồ sơ của tòa án. Các luật sư và nhiều bị can, bị cáo lo lắng về quyền này, do đó không nên áp dụng khái niệm trả hồ sơ. Nếu thấy không đủ yếu tố buộc tội, tòa án có quyền bác quyết định khởi tố hoặc bác cáo trạng và tuyên vô tội, hoặc nêu những yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ chứ không nên trả hồ sơ về để bổ sung, sẽ kéo dài thời gian, trong lúc đó vụ án vẫn đang tiến hành.
Đại biểu Nghĩa cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của quyền tư pháp không chỉ là xét xử và ban bố một quyết định về công lý, mà còn có trách nhiệm bảo đảm về phán quyết công lý được thực hiện. Việc cưỡng chế thi hành bản án có thể giao cho hành pháp, nhưng trách nhiệm của quyền tư pháp không thể chấm dứt sau khi ban hành xong bản án. Do đó, phải có quy định và trao cho tòa án một thẩm quyền, chấp nhận theo dõi việc thi hành phán quyết của tòa. Nếu thấy trong quá trình thi hành án có vấn đề và không bảo đảm, tòa án phải có quyền lực nhất định để can thiệp.
Hợp lý tổ chức tòa án nhân dân
Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) đồng tình với quy định hệ thống tòa án nhân dân gồm tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân cấp cao, các tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, các tòa án quân sự. Với hệ thống tổ chức như vậy, tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án nhân dân cấp huyện được thành lập theo địa hạt hành chính. Theo tinh thần Nghị quyết 49, việc thành lập ba tòa án cấp cao ở ba nơi là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ và quyền hạn là xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Do số lượng các vụ án nhiều, các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lớn, đề nghị Quốc hội quy định cụ thể số lượng tòa án nhân dân cấp cao theo hướng có từ năm tòa án nhân dân cấp cao. Như vậy mới đáp ứng nhiệm vụ xét xử kịp thời của các vụ án.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) thống nhất với dự thảo việc không thành lập tòa án sơ thẩm khu vực lần này, phù hợp với thực tiễn và mong muốn của cử tri. Riêng Tòa án nhân dân cấp cao mới đưa vào luật lần này, nên cần làm rõ có bao nhiêu tòa cấp cao là phù hợp, làm rõ nhiệm vụ của Ủy ban thẩm phán tòa cấp cao và Ủy ban thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, về hiệu lực, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Khoản 4, Điều 22 giải trình chưa thuyết phục, chưa chặt chẽ, chưa khẳng định dứt khoát, rõ ràng về một nội dung hết sức quan trọng đã và đang được cử tri cùng toàn thể xã hội hết sức quan tâm. Do đó, ông Dũng đề nghị xem xét, bổ sung quy định thủ tục đặc biệt để xem xét các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới vào một khoản của Điều 20 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao và vào một khoản, đoạn của Khoản 4, Điều 22 trừ trường hợp xem xét theo thủ tục đặc biệt quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và tố tụng hành chính và đối với các văn bản khác.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) nhấn mạnh về tính đồng nhất giữa các luật về tổ chức bộ máy nhà nước mà Quốc hội đang xem xét tại kỳ họp này. Trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ có quy định về quan hệ phối hợp công tác. Nhưng trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân không có quy định về quan hệ, phối hợp công tác. Hai luật này có một chương quy định bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân và của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó có quy định quyết định biên chế của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Trong khi đó, dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội không bao gồm nội dung này.
Bảo đảm nguyên tắc độc lập của thẩm phán
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để công tác xét xử ngày càng tốt, dự thảo Luật cần xoay quanh nguyên tắc bảo đảm sự độc lập của thẩm phán, lấy thẩm phán là trung tâm để thiết kế, xây dựng văn bản quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) nêu ý kiến, dự thảo Luật sửa đổi quy định có ba ngạch thẩm phán là cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hiện hành và Điều 37 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sơ thẩm những vụ việc theo quy định của pháp luật, phúc thẩm những vụ việc mà bản án quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật. Dự thảo chưa quy định rõ thẩm phán sơ cấp ở cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử như thế nào, bởi vậy, thẩm phán sơ cấp ở cấp tỉnh có thể xử phúc thẩm đối với bản án cấp huyện do thẩm phán trung cấp ở cấp huyện xét xử sơ thẩm được hay không. Đề nghị Ban soạn thảo cần điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn.
Về nhiệm kỳ của thẩm phán, theo Điều 69 của dự thảo Luật, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là năm năm, nếu được bổ nhiệm lại thì 10 năm. Đề nghị thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn, còn nhiệm kỳ của thẩm phán nói chung như dự thảo luật đã nêu.
Tổ chức của hội thẩm, đoàn hội thẩm: Cần cơ chế bảo đảm tính khách quan
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đánh giá, dự thảo Luật lần này đã dành Chương VIII nói về hội thẩm nhân dân. Song quy định tổ chức của hội thẩm, đoàn hội thẩm cần phải nghiên cứu thêm theo hướng tạo cơ chế để bảo đảm tính khách quan trong xét xử. Đặt đúng vị trí của hội thẩm nhân dân với tư cách là người đại diện cho nhân dân để tham gia xét xử trong một vụ án cụ thể, góp phần hạn chế tối đa tình trạng chạy án đang là vấn đề quan ngại nhất hiện nay.
Đại biểu Hùng đề nghị giao cho Hội đồng nhân dân trực tiếp quản lý hoạt động của hội thẩm nhân dân và đoàn hội thẩm nhân dân. Chính sách, chuyên môn, nghiệp vụ đối với Hội thẩm nhân dân sẽ do Đoàn hội thẩm nhân dân bảo đảm. Như vậy sẽ giúp cho Hội thẩm nhân dân thực hiện được nhiệm vụ độc lập hơn trong xét xử. Mặt khác, sẽ tăng cường hơn vai trò giám sát của cơ quan dân cử trong hoạt động xét xử, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân sẽ được đề cao hơn, rõ ràng hơn, độc lập hơn và theo đúng hướng cải cách tư pháp.
* Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội có 11 chương, 93 điều, dự kiến thông qua vào ngày 14-11 tới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()