Hòa Bình là tỉnh miền núi, có hơn 80% số dân sống bằng nghề nông cho nên đời sống gặp nhiều khó khăn; nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Vì vậy, khi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ - CP của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều giải pháp cụ thể giúp nông dân mở rộng sản xuất.Nhờ phát triển kinh tế theo mô hình VAC, gia đình ông Bùi Vân Dân ở bản Suối Con (Kim Bôi, Hòa Bình) có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên khá và giầu. Trước hết, tỉnh chủ trương ổn định diện tích cấy lúa để bảo đảm an ninh lương thực và chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả do khô hạn sang trồng mía tím, cây ăn quả hoặc rau màu có giá trị kinh tế cao. Kết quả, vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh cấy gần 15 nghìn ha lúa, trong đó lúa lai chiếm khoảng 30%, cao hơn năm 2010. Đến nay các trà lúa đều sinh trưởng tốt, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi. Từ đầu vụ đến nay, ngành nông nghiệp...
Hòa Bình là tỉnh miền núi, có hơn 80% số dân sống bằng nghề nông cho nên đời sống gặp nhiều khó khăn; nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Vì vậy, khi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ – CP của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều giải pháp cụ thể giúp nông dân mở rộng sản xuất.
Nhờ phát triển kinh tế theo mô hình VAC, gia đình ông Bùi Vân Dân ở bản Suối Con (Kim Bôi, Hòa Bình) có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên khá và giầu.
Trước hết, tỉnh chủ trương ổn định diện tích cấy lúa để bảo đảm an ninh lương thực và chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả do khô hạn sang trồng mía tím, cây ăn quả hoặc rau màu có giá trị kinh tế cao. Kết quả, vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh cấy gần 15 nghìn ha lúa, trong đó lúa lai chiếm khoảng 30%, cao hơn năm 2010. Đến nay các trà lúa đều sinh trưởng tốt, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi. Từ đầu vụ đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra gần 30 cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp ở tất cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời những cơ sở bán giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ kém chất lượng, tự ý nâng giá hàng hóa… Theo đó, thị trường cung ứng giống, phân bón ở các vùng nông thôn ở Hòa Bình được siết chặt, có lợi cho nông dân. Thí dụ, Công ty cổ phần (CP) dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Lạc đã cung ứng tới tận hộ nông dân hơn 500 tấn phân bón các loại. Cũng tại địa phương này, tổ chức hội nông dân của huyện và các xã phối hợp Công ty CP phân bón hữu cơ sạch Xuân Mai cung ứng cho các hội viên nông dân 215 tấn phân vi sinh theo hình thức trả chậm. Nhờ đó, nông dân đều mua được giống tốt, vật tư phân bón bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, nông dân Hòa Bình còn chuyển hàng chục nghìn ha vườn đồi hoặc diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với đồng đất của từng vùng miền trong tỉnh để có hiệu quả kinh tế cao. Tại huyện Cao Phong và Tân Lạc, diện tích trồng mía tím đã mở rộng hơn 5.000 ha. Các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lương Sơn có phong trào 'phá vườn tạp, trồng cây ăn quả' khá sôi nổi. Tiêu biểu là hai xã Sơn Thủy, Kim Bôi (huyện Kim Bôi) có khoảng 30 ha nhãn. Ở xã Sơn Thủy có 76 hộ dân trồng khoảng 10 ha nhãn cho thu hoạch ổn định 100 triệu đồng/ha/năm và đầu năm nay lại có thêm 76 hộ dân đăng ký trồng nhãn với diện tích bình quân 1.000 m2/hộ.
Tuy nhiên, điểm nhấn trong chương trình thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của ngành nông nghiệp Hòa Bình chính là mô hình 'lấy ngắn nuôi dài' nhằm đạt hai mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và tạo vốn để mở rộng sản xuất. Trên tinh thần đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo nông dân trong tỉnh trồng xen các loại rau màu vào các vườn mía và cây ăn quả chưa khép tán; nuôi thả gà, lợn bản địa trong các vườn đồi. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Dân ở bản Suối Con, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi có khoảng 1,5 ha vườn đồi trồng nhãn, bưởi kết hợp với nuôi lợn bản địa. Trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão, gia đình ông Dân thu được hơn 70 triệu đồng từ đàn lợn đặc sản. Theo ông Bùi Văn Dân, hiện có 15 trong số 95 hộ dân ở bản Suối Con thực hiện mô hình kết hợp này và đạt mức thu nhập khá.
Còn ở ngoại thành TP Hòa Bình, người dân tập trung xen canh gối vụ, trồng rau màu ngắn ngày. Gia đình chị Bùi Thị Sưởi, ở xóm Chiềng 3, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi có 1.200 m2 đất cấy lúa. Trong ba tháng vụ đông, chị tận dụng trồng khoai tây thu nhập gần mười triệu đồng. Tương tự, nắm bắt được nhu cầu rau xanh của thành phố, gia đình anh Nguyễn Văn Dương ở tổ 21, phường Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) đã dành hơn 1.000 m2 vườn trũng để trồng rau cần, cho thu nhập bốn triệu đồng/tháng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng Bùi Đức Òm cho biết: Mấy năm gần đây, phần lớn các hộ dân trong xã đều trồng rau màu cung cấp cho thị trường thành phố Hòa Bình, Hà Nội, cho thu nhập ổn định.
Nhờ chọn hướng đi hợp lý, sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực của các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh, cùng với nỗ lực của mỗi hộ nông dân, sản xuất nông nghiệp ở Hòa Bình vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho người nông dân vùng sâu, vùng xa và ĐBKK ở địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()