Nhiều giải pháp đột phá để ngành tòa án nâng cao chất lượng xét xử
Một điểm nhấn là ngành tòa án đã tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn; tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng ngành tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử
Trong nhiệm kỳ này, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Nổi bật là đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Số lượng các vi phạm, tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và nền kinh tế, đặc biệt, số lượng các vụ việc phải thụ lý, giải quyết tăng mạnh (mỗi năm tăng trung bình khoảng 10%). Trong bối cảnh đó, tòa án các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để cố gắng giải quyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, tỷ lệ giải quyết án đạt cao (trên 97%) vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (so với nhiệm kỳ trước. Số vụ việc đã thụ lý tăng 35%, đã giải quyết tăng 33%. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm, có nhiều tiến bộ và không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa liên tục giảm dần qua các năm và hàng năm đều đạt, vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Một điểm nhấn nữa là ngành tòa án đã tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn; tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao.
Công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.
Ngành tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tuyên hình phạt nghiêm khắc với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước với phương châm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn xét xử, thi hành án khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ, các tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt 98%; đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác. Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh và hầu hết các bị cáo bị xét xử đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục, khẩu phục, ăn năn, hối lỗi.
Bên cạnh đó, ngành tòa án tích cực tham gia xây dựng thể chế; có nhiều đổi mới, đạt kết quả nổi bật trong công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới cả về hình thức, nội dung và cách làm, đạt nhiều kết quả tích cực. Các văn bản quy phạm của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các văn bản giải đáp hướng dẫn nghiệp vụ xét xử… được ban hành với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn xét xử.
Công tác phát triển án lệ đã tạo được dấu ấn và là điểm sáng trong tiến trình cải cách tư pháp, đã giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý cho giao dịch dân sự, kinh tế phát triển.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đề xuất Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và khẩn trương triển khai thực hiện. Đến nay, tòa án đã bổ nhiệm được hơn 2.000 hòa giải viên tại 49 tỉnh, thành. Luật giúp cơ chế mới để giải quyết hòa thuận, hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà không phải xét xử, tiết kiệm nguồn lực xã hội, đem lại lợi ích thực chất cho người dân.
Tổ chức bộ máy của hệ thống tòa án được cơ cấu theo 4 cấp, hoạt động ngày càng ngày tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Ngành tòa án đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán. Hoạt động giám sát đối với thẩm phán được tăng cường.
Các tòa án đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và đã đạt được những kết quả nổi bật. Nhiều phần mềm ứng dụng quan trọng hỗ trợ hoạt động tư pháp, hành chính tư pháp đang được áp dụng hiệu quả tại Tòa án. Đặc biệt, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tiến hành công khai các bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử. Đây là một trong những cơ chế hữu hiệu để người dân kiểm tra, giám sát hoạt động của tòa án; đồng thời đặt ra yêu cầu với mỗi Thẩm phán phải luôn với tinh thần tự đào tạo để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, kỹ năng xây dựng bản án.
Không để xảy ra oan, sai
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, ngành tòa án đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.
Ngành tòa án đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử do nguyên nhân chủ quan của tòa án.
Các cấp tòa án bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Đồng thời là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án.
Ngành tòa án tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đảm bảo tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo.
Các cấp tòa án làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.
Đồng thời là nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của Tòa án nhân dân các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công vụ; công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất chế độ chính sách tiền lương phù hợp với tính chất công việc đặc thù của Tòa án nhân dân./.
Ý kiến ()