Nhiều gánh nặng cho người chăn nuôi
LSO-Thời gian qua, giá thịt lợn hơi xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi với số lượng lớn lao đao. Giá thấp, việc tiêu thụ cũng khó khăn, điều này khiến chi phí cho chăn nuôi ngày một tăng.
Bà Lý Thị Cồ ở thôn Nà Sèn, xã Hoàng Đồng đang phải gánh thêm nhiều chi phí khi không bán được lợn |
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có trên 300.000 con. Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, người chăn nuôi lợn trên địa bàn đang phải đối diện với không ít khó khăn trong việc tiêu thụ lợn thịt. Giá lợn hơi thu mua vào thời điểm này giảm khoảng 40% so với năm 2016, lượng thu mua cũng ít, trong khi đàn lợn đều đã đến thời kỳ phải xuất chuồng. Điều này khiến người chăn nuôi tiếp tục phải chịu thêm nhiều chi phí.
Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Chi Lăng hiện nay là hơn 37.000 con. Tuy nhiên, thời gian qua tư thương đến mua lợn tại Chi Lăng hầu như không có. Trao đổi với một số bà con chăn nuôi nơi đây, được biết, nếu có thương lái đến thì họ chỉ trả giá rất thấp từ 16– 20 nghìn đồng/kg lợn hơi (tùy loại).
Cũng như người chăn nuôi ở Chi Lăng, các hội viên của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Nà Sèn ở xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đang gặp nhiều khó khăn khi giá lợn hơi giảm mạnh. Hiện Hợp tác xã Nà Sèn có 21 hộ gia đình trên địa bàn tham gia chăn nuôi với tổng đàn trên 400 con. Trong đó hiện có đến hơn 300 con đến tuổi xuất chuồng, nhưng tất cả các hội viên đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ lợn. Anh Hà Văn Khìu, Giám đốc Hợp tác xã Nà Sèn cho biết: Cách đây khoảng nửa tháng, một số hội viên do áp lực về chi phí thức ăn, nên đành phải bán cho tư thương đến thu mua với giá 16.000 đồng/kg. Không tính công, chỉ tính chi phí từ đầu tư mua giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… mỗi con lợn đã lỗ hơn 1 triệu đồng. Một số hộ thấy lỗ nhiều quá không bán, nhưng không bán thì vẫn tiếp tục tốn chi phí để duy trì, càng để càng tốn kém.
Anh Chu Văn Nghiêm, hội viên Hợp tác xã Nà Sèn ngao ngán: Gia đình tôi hiện còn hơn 30 con lợn đến lứa xuất, mặc dù thời gian qua giá lợn hơi có nhích lên một chút (vào khoảng 20 – 22 nghìn đồng/kg), nhưng lứa lợn này gia đình vẫn lỗ ít nhất từ 30 triệu đồng trở lên. Theo anh Nghiêm, thời gian qua, một số hội viên đã tự thịt lợn mang ra tận chợ để bán lẻ, tuy nhiên giá móc hàm cũng chỉ vào 25 – 30 nghìn đồng/kg.
Ông Phạm Đình Duy, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Việc tiêu thụ thịt lợn khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn tới bà con chăn nuôi trên địa bàn, điều này ảnh hưởng đến sự ổn định trong phát triển kinh tế của thành phố. Một số hộ chăn nuôi với số lượng vài chục con trở lên đều không dám tái đàn.
Nhằm giải bài toán này cho người chăn nuôi trên địa bàn, ngày 5/5/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ rõ: các sở, ban ngành, UBND các huyện và thành phố có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn trên địa bàn. Các tổ chức tăng cường sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn… Chỉ đạo kịp thời này của UBND tỉnh nhằm mục đích ưu tiên thụ thịt lợn, đồng thời không để thương lái ép giá người chăn nuôi.
Tuy nhiên, cùng với giải pháp tình thế này, việc tính kế lâu dài cho ngành chăn nuôi lợn cũng phải được cấp bách thực hiện. Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Lý do dẫn tới lợn hơi rớt giá thời gian qua là do phát triển chăn nuôi một cách tự phát, thiếu kiểm soát. Hầu như rất ít hộ chăn nuôi ký hợp đồng đảm bảo đầu ra ổn định. Chính vì vậy, cần thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi phải theo định hướng thị trường. Theo ông Hưng, vấn đề cốt yếu là phải thay đổi phương thức chăn nuôi. Thời gian tới, ngành cũng sẽ tính toán việc tập trung xây dựng một số cơ sở sản xuất lợn giống thương phẩm chất lượng cao, đồng thời phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()