Nhiều dư địa cho hàng nội thất Việt Nam tại thị trường Pháp
Cơ hội mở rộng thị phần tại Pháp vẫn rất lớn đối với các DN xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong bối cảnh ngày càng nhiều người Pháp quan tâm tới các sản phẩm nội thất để tân trang nhà.
Mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 cho thị trường Pháp, nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 4,5% tổng trị giá nhập khẩu.
Đây là con số vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường này.
Đặc biệt, hơn một năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người Pháp phải ở nhà nhiều hơn và dành thời gian để tân trang lại ngôi nhà và quan tâm nhiều tới các sản phẩm nội thất.
Điều này cho thấy cơ hội mở rộng thị phần tại Pháp vẫn rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.
Dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 6/2021 Pháp nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 386,3 triệu USD, tăng 31,2% so với tháng 6/2020.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp đạt 2,4 USD, tăng 59,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, thị trường Pháp tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường trong 6 tháng năm 2021; trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Italy, Trung Quốc và Đức, trị giá nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 49,8% tổng trị giá nhập khẩu.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (mã HS 940360), ghế khung gỗ (mã HS 940161 940169) là hai mặt hàng chính trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Pháp nhập khẩu; trong đó, nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 930,6 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng lưu ý, Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất phòng khách và phòng ăn lớn nhất cho Pháp trong nửa đầu năm 2021, với trị giá chiếm 16,7%. Tiếp theo là Italy chiếm 15,6% và Ba Lan chiếm 10,1%.
Cùng với đó, thị trường Pháp nhập khẩu ghế khung gỗ trong nửa đầu năm 2021 đạt 730 triệu USD, tăng 63,9% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này chiếm 30,8% tổng lượng nhập khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam là thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn thứ 5 cho Pháp; trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của Pháp từ Việt Nam chỉ chiếm 6,7% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này.
Theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất và tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu.
Do đó, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
Chính vì vậy, các chuyên gia thương mại khuyến cáo, các doanh nghiệp phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm; cập nhật xu hướng mới cũng như nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tạo kênh liên kết để ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Pháp với mẫu mã phong phú, giá cả cạnh tranh./.
Ý kiến ()