Nhiều dự án trồng rừng ở đảo Lý Sơn kém hiệu quả
Bộ đội lấy nước từ chân núi lên tưới cho cây mới trồng. Hàng chục năm nay, nhất là từ sau bão số 9 (năm 2009), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã triển khai nhiều dự án trồng rừng nhưng kém hiệu quả. Hiện, rừng trên đảo đang dần "biến mất" để lại những quả núi trơ trụi giữa biển khơi.Những năm gần đây, huyện đảo Lý Sơn đã triển khai nhiều dự án trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc. Cán bộ và nhân dân trên đảo đồng tình ủng hộ rất cao. Đến nay đã triển khai ba dự án trồng rừng trên đảo. Trong đó, có hai dự án được triển khai theo các chương trình trồng rừng quốc gia của Chính phủ. Đầu tiên là Dự án trồng rừng cảnh quan môi trường huyện đảo Lý Sơn triển khai thực hiện vào tháng 4-2008. Đến cuối năm 2009, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo huyện, việc trồng rừng lại tiếp tục được triển khai theo Chương trình Dự án 661. Số tiền mà các dự án này...
Bộ đội lấy nước từ chân núi lên tưới cho cây mới trồng. |
Những năm gần đây, huyện đảo Lý Sơn đã triển khai nhiều dự án trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc. Cán bộ và nhân dân trên đảo đồng tình ủng hộ rất cao. Đến nay đã triển khai ba dự án trồng rừng trên đảo. Trong đó, có hai dự án được triển khai theo các chương trình trồng rừng quốc gia của Chính phủ. Đầu tiên là Dự án trồng rừng cảnh quan môi trường huyện đảo Lý Sơn triển khai thực hiện vào tháng 4-2008. Đến cuối năm 2009, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo huyện, việc trồng rừng lại tiếp tục được triển khai theo Chương trình Dự án 661. Số tiền mà các dự án này đã thực hiện lên đến hàng tỷ đồng và đến nay chưa dự án nào quyết toán, kiểm đếm số cây còn trong tổng số hàng vạn cây đã trồng. Đặc biệt, năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị với chính phủ phê duyệt dự án trồng rừng phòng hộ và cây cảnh trên đảo. Tuy nhiên, đã hai năm tiến hành triển khai dự án, nhiều ha rừng với hàng vạn cây xanh được trồng thuộc nhiều giống cây khác nhau và số tiền mà dự án này đã thực hiện lên đến hàng tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa tạo được mầu xanh cho đảo…
Đi trên đảo Lý Sơn vào những ngày giữa tháng 6 trong tiết trời nắng nóng, thấy thiếu bóng dáng cây xanh. Mặc dù huyện Lý Sơn những năm gần đây đã nỗ lực thực hiện nhiều dự án, nhưng công tác trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc ở hòn đảo này vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nhiều du khách ra thăm đảo Lý Sơn đều có chung một cảm nhận buồn, đó là nơi trước đây đã từng có những cảnh thiên nhiên đẹp nhưng đã bị con người tàn phá. Giờ chỉ thấy những quả núi trơ trụi giữa biển xanh. Hiện trên đảo vẫn chưa có rừng phòng hộ, chắn bão gió.
Có thể nói, nguyên nhân những dự án trồng rừng trên đảo Lý Sơn kém hiệu quả là do những người có trách nhiệm trong dự án không thật am hiểu về thời tiết, khí hậu trên đảo, thiếu quan tâm trong việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp. Hiện nay, tuy thời tiết nắng nóng kéo dài, không bão gió nhưng số cây trồng sống chỉ đạt khoảng từ 60 đến 70%. Trước thực trạng nêu trên, những người thực hiện dự án đã phải buồn bã thừa nhận: Sau khi trồng tỷ lệ cây sống cao, nhưng do chọn cây keo, xà cừ không chịu được khí hậu nắng nóng nên bị chết. Một số cây sống được thì bị bão quật đổ phải chặt bỏ. Một số ít cây phi lao trồng ven biển thì bị nhiễm mặn không sống nổi. Dự án không tiếp tục triển khai, nhưng việc thanh quyết toán dự án, bàn giao lại diện tích rừng trọc cho huyện vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện, dẫn đến nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện tiếp theo dự án trồng rừng thứ ba trên đảo.
Đó là dự án trồng rừng phòng hộ và cảnh quan môi trường trên đảo Lý Sơn theo Quyết định số 966/QĐ-UBND, ngày 8-7-2011. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án đã được phê duyệt với diện tích 130 ha, thực hiện từ năm 2011 đến 2020 (chia thành ba giai đoạn) với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Theo dự án này, trong hai năm 2011 và 2012 dự án trồng rừng phải trồng xong hơn 120 ha. Song theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đơn vị được giao thực hiện dự án thì đến nay diện tích đã trồng khoảng hơn 20 ha, tại khu vực núi Thới Lới, thuộc đất Nhà nước quản lý. Còn 100 ha, nếu muốn tiếp tục triển khai dự án thì đơn vị chủ đầu tư phải tiến hành lập phương án, tính toán chi trả bồi thường giải tỏa cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Điều đáng nói ở đây khiến dự án trồng rừng trên đảo Lý Sơn triển khai chậm là do chưa được cấp kinh phí theo đúng kế hoạch dự án đề ra. Việc chưa cấp vốn theo dự án trồng rừng ở đảo Lý Sơn đã bị “dừng” trong suốt thời gian qua. Tính đến nay, mặc dù chỉ còn sáu tháng nữa là kết thúc việc trồng 120 ha rừng phòng hộ, cây cảnh quan, nhưng kinh phí vẫn chưa có.
Chủ tịch UBND xã An Hải Mai Văn Sơn cho biết: Việc trồng rừng trên đảo Lý Sơn, nhằm hạn chế sạt lở, chống xói mòn đất; duy trì nguồn nước ngầm; cải thiện điều kiện khí hậu, tạo cảnh quan môi trường, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Do đó, các dự án trồng rừng trên đảo hiện nay được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Nhiều gia đình đã đóng góp công sức vào công tác trồng và chăm sóc rừng. Theo đánh giá sơ bộ, đến thời điểm này, tỷ lệ cây trồng sống đạt khoảng 70%, nhưng trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, phương tiện tưới tiêu thô sơ không bảo đảm, nên lực lượng vũ trang trên đảo dù có cố gắng đến đâu cũng vẫn “lực bất tòng tâm”. Những bất cập này nếu không sửa chữa, khắc phục kịp thời thì dự án trồng rừng, trồng cây cảnh quan trên đảo cũng chẳng khác gì những dự án trồng rừng kém hiệu quả trước đó. Cụ Đặng Lại (83 tuổi) ở thôn Đông, xã An Vĩnh cho rằng, dự án trồng rừng trên đảo là mong muốn thiết tha và là quyết tâm của người dân địa phương, do đó cần có sự quan tâm của cấp trên để triển khai dự án, đừng để vừa tốn tiền, vừa tốn công sức của nhân dân.
Nguyên nhân nhiều dự án trồng rừng trên đảo Lý Sơn kém hiệu quả đã khá rõ ràng. Chủ đầu tư cần điều chỉnh, rút kinh nghiệm và bảo đảm công tác quản lý, quyết toán dứt điểm các dự án rừng đã trồng. Trước mắt, các cơ quan có trách nhiệm tiến hành kiểm kê, bàn giao lại diện tích rừng trọc cho huyện để triển khai dự án trồng rừng phòng hộ, cảnh quan trên đảo theo chỉ đạo của tỉnh và Chính phủ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()