Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ
Hiện nay, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, ảnh hưởng tới việc bảo đảm nguồn cung điện trong tương lai. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu về điện sẽ tăng cao, đồng nghĩa với thách thức đặt ra cho ngành điện là rất lớn. Điều này đòi hỏi các giải pháp đẩy nhanh các dự án điện.
Tiêu thụ điện lập đỉnh mới
Diễn biến thời tiết nắng nóng cực đoan diện rộng ở miền Bắc và miền Trung trong thời gian qua đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung không ngừng tăng lên. Chỉ trong thời gian ngắn, công suất tiêu thụ điện 5 lần lập đỉnh mới. Trong đó, trưa 21-6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146MW. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong những ngày gần đây, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đều ở mức trên dưới 42.000MW-tức cao hơn mức công suất đỉnh năm 2020 tới gần 10%. Đáng lo ngại, do hiện tại đang là thời điểm cuối mùa khô nên mức nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp. Điển hình như hồ Hòa Bình chỉ còn cách mức nước chết gần 5m, hồ Sơn La còn cách mức nước chết 8m, hồ Thác Bà chỉ còn cách mức nước chết chưa tới 1m. Khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp sẽ làm hạn chế khả năng phát điện cả về công suất phát và sản lượng điện. Theo EVN, trong bối cảnh nguồn điện và mức tiêu thụ điện hiện tại liên tiếp lập đỉnh dẫn đến mức dự phòng nguồn điện ở khu vực phía Bắc chỉ còn ở mức thấp, nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện.
Công nhân điện lực miền Bắc kiểm tra hệ thống điện. |
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, mặc dù cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã huy động tối đa tất cả các nguồn điện trên hệ thống điện miền Bắc và khai thác tối đa khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc, nhưng do nhu cầu phụ tải điện tăng cao đột biến kết hợp với thời gian này là cuối mùa khô mực nước các hồ thủy điện xuống thấp nên đã xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực và phải cắt điện trong các giờ cao điểm. Theo EVN, việc cắt giảm này là “tình huống khẩn cấp để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống”. EVN cũng cảnh báo, tháng 7 là cao điểm nắng nóng, nhu cầu phụ tải cao nhất trong năm, khả năng có thể tiếp tục phải giảm phụ tải trong tình huống cực đoan.
Đẩy mạnh hơn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện
Đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn khoảng 69.000MW. Trong đó, nhiệt điện than có khoảng 21.000MW; thủy điện khoảng 21.000MW; tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu có khoảng 9.000MW; các nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 17.000MW… Điều này cho thấy, mặc dù năng lượng tái tạo có sự phát triển nhanh trong thời gian qua, nhưng nhìn trong cơ cấu công suất nguồn, nhiệt điện và thủy điện vẫn đang đảm đương chính việc bảo đảm nhu cầu tiêu thụ điện. Song, đáng lo ngại, theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hàng loạt dự án nguồn điện truyền thống chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện rất rõ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các nguồn điện truyền thống như than, khí, thủy điện-chủ yếu là nhiệt điện than vẫn tiếp tục có xu hướng chậm tiến độ như các giai đoạn trước. Khối lượng xây dựng nguồn điện này chỉ đạt khoảng 60% so với quy hoạch. Các nguồn điện chậm tiến độ chủ yếu trong các năm 2019-2020, xảy ra ở cả miền Bắc và miền Nam, với tổng công suất lên tới hơn 7.000MW so với quy mô trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong khi đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo chủ yếu là mặt trời lại được triển khai vượt quá mức quy hoạch dẫn tới khó khăn trong cân đối cung cấp điện. Cụ thể, Bộ Công Thương cho hay, có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 nhưng bị chậm tiến độ gồm: Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Na Dương 2, Cẩm Phả 3, Công Thanh, Ô Môn III…
Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, phụ tải giảm, hệ thống điện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân. Song, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu về điện sẽ tăng cao, đồng nghĩa với thách thức đặt ra cho ngành điện là rất lớn. Vì vậy, với vai trò chủ lực trong cung ứng điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN đẩy mạnh hơn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện theo quy hoạch được duyệt; đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối đồng bộ với phát triển nguồn điện, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm vận hành an toàn và hiệu quả.
Nhằm bảo đảm cung ứng điện giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp như bảo đảm tiến độ các nguồn điện, có cơ chế thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG)… Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, bên cạnh những giải pháp về nguồn, lưới điện, việc sử dụng điện tiết kiệm là giải pháp tối ưu nhằm giúp hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.
Ý kiến ()