Nhiều dòng họ phấn đấu không có tội phạm và tệ nạn xã hội
|
Đại tá Nguyễn Tá Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: Chúng tôi chủ trương thực hiện đức trị kết hợp với pháp trị trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT giữa Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Bộ Công an về: “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”. Theo đó, đức trị được nhiều dòng họ trong tỉnh Bắc Ninh duy trì, nhằm gìn giữ gia phong, những truyền thống tốt đẹp của mỗi dòng họ để nuôi dạy con cháu thảo hiền, biết tránh xa thói hư, tật xấu giữ cho gia đình hạnh phúc. Thực tế, nhiều dòng họ như : Trần Quang, Trần Danh, Nguyễn Duy, Lê Nho… đã xây dựng mô hình “Dòng họ không tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH)”. Theo đó, mỗi dòng họ sẽ thành lập ban điều hành, trưởng ban là chủ tịch hội đồng gia tộc. Các thành viên trong hội đồng gia tộc tích cực vận động tuyên truyền mọi người chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật, quy ước của dòng họ, tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”, cam kết xây dựng lối sống lành mạnh, thương yêu giúp đỡ nhau, làm tốt việc hòa giải, phê bình thói hư , tật xấu để mọi người không phạm tội và TNXH.
Tại từ đường của dòng họ Trần Danh, chúng tôi được bác Trưởng họ Trần Danh Đẩu, ở thôn Phương Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình tự hào giới thiệu: Dòng họ Trần Danh đến nay đã lưu truyền được 19 đời, đã có hai Hoàng Giáp, hai tiến sĩ, nhiều cụ làm quan trong triều. Và hiện nay, có 81 đảng viên (hai đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng), 94 người có trình độ đại học, một tiến sĩ, 120 người có trình độ cao đẳng… theo bác Trần Danh Thống, nguyên là sĩ quan quân đội: Nhân cách văn hóa, các giá trị tinh thần đang có chiều hướng không ổn định, văn hóa “rác rưởi” vẫn du nhập vào Việt Nam, tạo sự tha hóa cho một bộ phận thanh niên hiện nay. Nhiều trẻ em không chịu học hành, chỉ chúi đầu vào lướt “nét”, chơi game online, phim ảnh đồi trụy, các video clip sex… dẫn đến trộm cắp, nghiện hút đang trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Một dòng họ, một gia đình không còn nền nếp gia phong thì xã hội sẽ có nhiều người xấu. Đây cũng là lý do để dòng họ Trần Danh thực hiện mô hình “Dòng họ không tội phạm, TNXH” và lấy ngày giỗ tổ hằng năm họp mặt con cháu, cáo yết tổ tiên. Đây được coi là ngày thiêng liêng, trọng đại mừng thọ các cụ cao tuổi vừa biểu dương, phát thưởng cho các cháu học giỏi. Đồng thời, góp ý phê bình những cá nhân, gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước hoặc còn có những vi phạm về pháp luật, giúp mọi người trong dòng họ tự nhìn nhận, khẳng định lại mình để sống tốt, sống đẹp, sống có ích cho hôm nay và cho mai sau.
Gặp chúng tôi, ông Trần Quang Lộc, là người trong dòng họ Trần Quang, ở thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, khẳng định: “Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ bình yên, giúp cộng đồng dân cư và xã hội yên bình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”. Vì vậy biện pháp giáo dục trong gia tộc chúng tôi là động viên, hòa giải khi trong họ có người say rượu, cờ bạc, gây gổ, đánh cãi nhau. Ba năm gần đây trong gia tộc chúng tôi không có người đốt pháo, thả đèn trời, không vướng vào TNXH và thực hiện phương châm “Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Nếu nhà ai có con, cháu hư đốn, gia đình đó sẽ xấu hổ vì không được đến bàn thờ tổ thắp hương. Đây được coi là hình phạt nặng theo quy định của gia tộc. Lý giải cho việc Công an huyện Gia Bình vận động nhiều dòng họ trong huyện thực hiện mô hình “Dòng họ không tội phạm, TNXH”, Đại úy Nguyễn Hồng Điệp, Phó trưởng Công an huyện cho biết: Địa bàn rộng, số hộ gia đình trong huyện đông. Nếu chia địa bàn để quản lý, công an không có đủ lực lượng. Vậy nên việc công an vận động các dòng họ thực hiện mô hình nói trên sẽ giúp thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc. Đây chính là mục tiêu của công tác giữ gìn an ninh trật tự. Và nhờ đó, hằng năm số vụ phạm pháp trên địa bàn huyện Gia Bình không gia tăng…
Được biết, mười năm qua, ngoài việc xây dựng các mô hình “Dòng họ không tội phạm, TNXH” và 1.652 “Tổ liên gia an toàn, ngõ, xóm an toàn” tỉnh Bắc Ninh còn duy trì các mô hình, điển hình trong phong trào ” Toàn dân bảo vệ ANTQ” tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học góp phần phòng ngừa ngăn chặn các hoạt động tội phạm và TNXH; phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cơ quan , doanh nghiệp, trường học. Qua mười năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/NQLT, mối quan hệ giữa lực lượng công an – MTTQ và các tổ chức thành viên gắn bó khăng khít trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đáng chú ý, mười năm qua, lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố đã tham gia giải quyết hàng nghìn vụ phạm pháp hình sự, xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm hành chính, bắt 250 đối tượng truy nã, vận động hơn 100 đối tượng phạm pháp ra tự thú, góp phần kiềm chế tội phạm gia tăng tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh và giúp lực lượng công an đạt tỷ lệ điều tra khám phá án từ 72 đến 75%, các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 95%.
Ý kiến ()