Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Trị chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài
Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Trị tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành, địa phương chủ động triển khai kế hoạch đôn đốc thu, giảm nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, so với một số tỉnh, thành phố trong cả nước thì Quảng Trị là một trong những địa phương có số đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng các loại bảo hiểm khá lớn. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nợ BHXH kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc chi trả, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động...
Gian nan thu nợ bảo hiểm
Đến tháng 5-2015, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nợ đọng BHXH, BHYT vàbảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 81 tỷ đồng, tăng 23,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ BHXH từ một đến sáu tháng hơn 18,5 tỷ đồng, từ sáu tháng trở lên 7,55 tỷ đồng; nợ BHYT hơn 50,5 tỷ đồng; nợ BHTN hơn 1,3 tỷ đồng…
Theo thống kê của BHXH Việt Nam gửi UBND tỉnh Quảng Trị mới đây, hiện có 16 doanh nghiệp trên địa bàn nợ đọng BHXH, BHYT chưa có biện pháp xử lý với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài từ 3 đến 5 năm, với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Trước thực trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, dây dưa không trả các loại tiển bảo hiểm, cơ quan BHXH các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiều biện pháp thu nợ như gửi thông báo kết quả thu nộp BHXH, BHYT; cử cán bộ đôn đốc, nhắc nhở; làm việc, kiểm tra, lập biên bản vi phạm; phối hợp liên ngành kiểm tra, song hiệu quả đưa lại quá thấp.
Việc nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là việc thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản, giải quyết chế độ hưu trí, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH.
Phó Giám đốc BHXH thành phố Đông Hà Lê Thị Hồng Vân cho biết: Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên việc đóng BHXH, BHYT chậm trễ còn chấp nhận và thông cảm được. Ở đây, có nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra” nhưng vẫn cố tình chây ỳ không đóng bảo hiểm theo đúng quy định. Hàng tháng cán bộ thu BHXH thường xuyên gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp và đẩy mạnh công tác đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BHXH nhưng có doanh nghiệp làm ăn được vẫn cố tình phớt lờ.
Nguyên nhân nợ đọng các loại bảo hiểm kéo dài ở Quảng Trị là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh có một số doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng vẫn cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, khỏi phải đi vay ngân hàng. Nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ nộp BHXH của một số đơn vị, doanh nghiệp và người lao động chưa đầy đủ, công tác quản lý nhà nước về lao động còn thiếu hiệu quả, chế tài và xử phạt chưa đủ mạnh… nên tình trạng cố tình chiếm dụng tiền trích nộp BHXH xảy ra có chiều hướng gia tăng.
Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH, do đó khi kiểm tra, phát hiện đơn vị sử dung lao động vi phạm pháp luật về BHXH chỉ nhắc nhở đề nghị doanh nghiệp chấp hành, sau đó phản ánh với UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố xử lý.
Giải pháp tháo gỡ nợ đọng
Ngày 25-4, BHXH Việt Nam có văn bản số 1492/BHXH – BT “về phối hợp thu nợ BHXH, BHYT” gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là đối với các doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT kéo dài; đôn đốc thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, các ngành chức năng cần phải có giải pháp có hiệu quả hơn trong việc thực hiện thu nợ BHXH đối với những doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chậm đóng BHXH kéo dài; thực hiện nghiêm túc việc xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Các cấp ngành, các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân tích cực tham gia và thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ tình hình thực hiện các quy định về pháp luật bảo hiểm, ngành BHXH tiếp tục công tác khởi kiện những doanh nghiệp cố tình vi phạm nợ đọng tiền bảo hiểm, xây dựng tiêu chí nợ làm cơ sở khởi kiện, giao chỉ tiêu BHXH huyện, thị xã, thành phố khởi kiện kịp thời tránh để nợ kéo dài và khó thu hồi sau khởi kiện…
Ngoài ra, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Trị cần chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động về thực hiện Nghị Quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYTgiai đoạn 2012 – 2020.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với BHXH tỉnh thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng như: thu hồi nợ qua ngân hàng, không làm các thủ tục mua bán, chuyển nhượng tài sản, không cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu công trình…
Bên cạnh đó, cần xây dựng phong cách làm việc thật sự có trách nhiệm, lịch sự, chống hành vi sách nhiễu, gây khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách; tạo lòng tin cho các đơn vị, doanh nghiệp và người tham gia thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT và BHTN. Có như thế mới giải quyết được tình trạng nợ các loại bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp và giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với người lao động…
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị).
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()