Nhiều doanh nghiệp ở Bình Phước nợ đọng thuế
Sau sự cố xuất tiền dự trữ trả lương cho cán bộ, công chức vừa qua, Cục Thuế Bình Phước cho biết, cán cân thu - chi tài chính mất cân đối là do hàng trăm doanh nghiệp (DN) còn nợ đọng thuế, với số tiền lên đến 649,2 tỷ đồng.
Sau sự cố xuất tiền dự trữ trả lương cho cán bộ, công chức vừa qua, Cục Thuế Bình Phước cho biết, cán cân thu – chi tài chính mất cân đối là do hàng trăm doanh nghiệp (DN) còn nợ đọng thuế, với số tiền lên đến 649,2 tỷ đồng.
Ngoài số DN nợ thuế, còn hàng trăm DN khác có đăng ký kinh doanh, nhưng không hoạt động, không đóng thuế, tuy nhiên hiện nay Bình Phước chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng các DN nợ thuế.
Dây dưa tiền thuế
Cục Thuế tỉnh Bình Phước cho biết, thực tế chuyện nợ đọng thuế của các DN có từ năm 2012, với số tiền hơn 770 tỷ đồng. Hiện nay do nhiều DN biến mất không rõ nguyên nhân, vì thế chưa hết quý II-2013, các DN đã nợ tới 649,2 tỷ đồng tiền thuế, tăng 56% so cùng kỳ năm trước và ngày càng diễn biến phức tạp. Tình hình DN nợ thuế, đã đẩy Bình Phước vào hoàn cảnh khó cân đối thu chi và tháng 5 vừa qua, tỉnh này buộc phải xuất 25 tỷ đồng dự trữ ngân sách để trả lương cho cán bộ, công chức.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình nợ thuế của các DN trên địa bàn tỉnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước Trần Văn Hướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân không thu được thuế. Ngoài tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn chung, phần lớn do DN sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nợ các đối tác, hàng tồn kho hoặc phá sản, cũng không ít DN lợi dụng tình hình này để trốn thuế. Ðể khắc phục hậu quả nợ và thất thu thuế, Bình Phước đã thành lập Ban chỉ đạo Chống thất thu thuế, do một Phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban, nhưng việc thu hồi tiền nợ thuế suốt mấy tháng qua cũng không mấy khả quan.
Mới đây, không còn sự lựa chọn nào khác, Cục Thuế Bình Phước phải tổ chức cưỡng chế hàng loạt DN nợ thuế kéo dài, nhiều năm không đóng thuế như các Công ty TNHH Minh Cường, Mỹ Nga, Phước Hiền, Thành Tài,… buộc các DN này phải trả ngay khoản nợ thuế gần 19 tỷ đồng.
Có DN khi kinh doanh thua lỗ, hoặc gặp rủi ro, nhưng không làm thủ tục phá sản theo luật quy định, mà chuyển nhượng DN cho người khác, hoặc thành lập công ty mới, do người nhà đứng tên để trốn thuế, như Công ty TNHH Anh & Em Nguyễn Tấn. Cũng có những DN lợi dụng chính sách hỗ trợ, gia hạn nộp thuế xuất khẩu, nhưng sau đó không nộp thuế, như Công ty TNHH Vân An, DNTT Phúc Huệ, Công ty TNHH Thiên Phát, Công ty TNHH Lâm Sao, Công ty TNHH Phước Toàn, Công ty TNHH Thiện Ân… Khi Cục Thuế phát hiện và dùng biện pháp cưỡng chế, bán tài sản của DN, thì số tiền thu được không đủ trả nợ cho ngân hàng, vậy là Nhà nước lại thất thu thuế. Có thể nói, bức tranh nợ thuế, thất thu thuế từ các DN, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đang chuyển dần sang gam mầu xám, điều này làm đau đầu các nhà quản lý của tỉnh.
Nhiều DN tồn tại trên giấy
Trình độ quản trị, kinh doanh chưa theo kịp diễn biến của thị trường, sản xuất kinh doanh thua lỗ, hoặc hàng tồn kho với số lượng lớn, được nhiều DN lý giải khi nói về nợ đọng thuế. Cũng không ít DN lợi dụng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện để trốn thuế, nợ thuế dây dưa. Nhiều DN làm ăn nghiêm túc, nhưng khi nhận các công trình nhà nước giải ngân chậm, vật giá leo thang hoặc do Chính phủ cắt giảm đầu tư công…, cũng dẫn đến chậm nộp thuế, thậm chí không có khả năng đóng thuế. Cũng không ngoại trừ việc cán bộ thuế làm ngơ, “hợp tác ngầm” với các DN trốn thuế, khai thuế thấp xuống để hai bên đều có lợi, phần thiệt hại thuộc về Nhà nước.
Một lý do khác để giải thích về thất thu thuế, là lượng DN tại Bình Phước gần đây giảm đột ngột mà chưa rõ nguyên nhân. Tại Hội nghị “Hội nhập quốc tế vì phát triển bền vững, vai trò của địa phương” của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Phước lạc quan báo cáo, tỉnh có 3.841 DN đăng ký kinh doanh, với số vốn lên đến 28.000 tỷ đồng. Nhưng theo khảo sát về thực trạng đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp, DN mà Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Sang cho biết, thì trên địa bàn hiện nay có 1.989 DN hoạt động. Nghĩa là, so với số liệu đăng ký kinh doanh, tỉnh Bình Phước thiếu mất 1.852 DN, chưa rõ nguyên nhân.
Sở dĩ có tình trạng khập khiễng về số liệu DN, theo một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bình Phước, cơ chế hiện nay là khi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thành lập DN, thì sở này cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, còn DN kê khai, đóng thuế thế nào do bên thuế quản lý. Không ít DN có vốn đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Minh Hưng, huyện Chơn Thành, được chế độ ưu đãi thuế, nhưng vừa hết thời gian ưu đãi, hoặc thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh không có lãi, cũng không đóng thuế, để lại nhà xưởng trống rỗng, khiến địa phương phải giải quyết hậu quả, nhất là món nợ lương và đời sống công nhân thất nghiệp.
Nhiều DN thành lập để xin tỉnh Bình Phước cấp đất rừng, đất dự án trồng cao-su…, nhưng không làm, không kinh doanh, mà sang nhượng lại dự án để kiếm tiền, cũng không đóng thuế kiểu mì ăn liền. Ðiển hình là Công ty Nam Hằng, Công ty TNHH TM Việt Lào, Công ty Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất, Câu lạc bộ B58… sau khi xin hàng nghìn ha đất làm dự án và có giấy phép đăng ký kinh doanh đã chuyển nhượng cho công ty khác kiếm lợi nhuận, mà quên đóng thuế. Có DN, như Công ty TNHH Hoàn Hảo, một năm tám lần thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, thực chất là mua bán dự án và lách tiền thuế. Nhiều DN thành lập, thay đổi tên nhưng không tổ chức sản xuất, kinh doanh, mà chỉ mua bán hóa đơn lòng vòng và xin đất dự án rồi để lại khoản nợ thuế. Tuy nhiên, đến nay Bình Phước vẫn chưa đề ra được giải pháp hữu hiệu gì để thu được khoản thuế nợ đọng và chấn chỉnh các DN hoạt động theo khuôn khổ pháp luật.
Ðể giải quyết tận gốc vấn đề DN nợ thuế, rõ ràng các cơ quan chức năng của Bình Phước cần kiện toàn tổ chức, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, mặt khác tạo điều kiện để DN hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhưng cũng cần thường xuyên kiểm tra, buộc DN hoạt động phải có nghĩa vụ đóng thuế theo luật pháp quy định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()