Nhiều doanh nghiệp FDI ở Lâm Ðồng trốn thuế
Thủ thuật chuyển giá được các chuyên gia nhận định là một trong những nguyên nhân của việc báo cáo lỗ thường xuyên của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo các quy định hiện hành, với tình trạng kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp đó tránh được việc nộp thuế.Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, dù báo lỗ triền miên, nhưng các doanh nghiệp vẫn liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, có đến 104/111 doanh nghiệp FDI trong tỉnh báo cáo lỗ trong năm 2009 và nhiều năm trước. Trước thực trạng đó, gần đây, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc và bước đầu chấn chỉnh tình trạng này...TRONG những năm qua, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút khá nhiều các dự án FDI, nhiều nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Với phương châm 'trải thảm đỏ', tỉnh đã dành cho các doanh nghiệp này nhiều ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng, giảm các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi về đất...
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, dù báo lỗ triền miên, nhưng các doanh nghiệp vẫn liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, có đến 104/111 doanh nghiệp FDI trong tỉnh báo cáo lỗ trong năm 2009 và nhiều năm trước. Trước thực trạng đó, gần đây, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc và bước đầu chấn chỉnh tình trạng này…
TRONG những năm qua, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút khá nhiều các dự án FDI, nhiều nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Với phương châm 'trải thảm đỏ', tỉnh đã dành cho các doanh nghiệp này nhiều ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng, giảm các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai và quán triệt sự tôn trọng các nhà đầu tư. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chỉ vì lợi ích cục bộ mà quên mất nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước Việt Nam và địa phương nơi họ đầu tư theo đúng pháp luật hiện hành. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, mặc dù Thông tư 117/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành vào tháng 12-2005 đã có những quy định cơ bản về vấn đề chuyển giá và những yêu cầu về cung cấp tài liệu,
nhưng nhiều chủ doanh nghiệp nộp thuế vẫn lờ đi những yêu cầu này và thậm chí chỉ nộp những tài liệu bắt buộc đối với việc báo cáo về những giao dịch với các bên liên quan. Hoạt động chuyển giá đang rất phổ biến, đã tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Hoạt động này đem về lợi nhuận cho công ty mẹ ở nước ngoài, nhưng lại tạo ra khoản lỗ giả cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhờ đó các doanh nghiệp tránh được việc nộp thuế.
Từ thực trạng chưa có doanh nghiệp FDI nào trên địa bàn báo cáo hoạt động có lãi trong nhiều năm qua, đầu năm 2010, Cục Thuế Lâm Đồng đã quyết định thành lập tổ khảo sát riêng về các doanh nghiệp ngành chè xuất khẩu, để rút kinh nghiệm mở rộng sang các lĩnh vực khác. Tổ khảo sát của cơ quan thuế có nhiệm vụ tiếp cận tất cả các hồ sơ khai thuế, đồng thời sử dụng biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin liên quan. Sau đó tiến hành sàng lọc, nghiên cứu từng hồ sơ, hợp đồng xuất khẩu, báo cáo kế toán của từng doanh nghiệp FDI để so sánh với các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực kinh doanh. Kết quả kiểm tra đã phát hiện, giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI luôn thấp hơn rất nhiều so giá thành sản xuất. Thủ thuật của các DN này như sau: Sau khi chế biến chè thành phẩm, các doanh nghiệp đóng gói xuất khẩu sang thị trường nước ngoài (nơi có công ty mẹ) với giá chỉ từ 2,8 đến 4 USD/kg, trong khi chi phí sản xuất một kg trà thành phẩm là 8 đến 9 USD/kg. Sau khi chuyển về công ty mẹ, sản phẩm trà được phân nhỏ rồi mới gắn nhãn mác và bán với giá bao nhiêu thì phía Việt Nam không thể kiểm soát được. Các doanh nghiệp FDI ngành chè Lâm Đồng cũng thừa nhận, giá xuất khẩu thực tế là từ 5,5 đến 11,6 USD/kg (gấp 2 đến 3 lần so số liệu mà họ báo cáo với cơ quan chức năng địa phương).
Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, thông qua kiểm tra, hướng dẫn 17 doanh nghiệp FDI trong ngành chè, đã xử lý hết số lỗ lũy kế trong hạn chuyển lỗ đến hết ngày 31-12-2009 là hơn 316,5 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH HaiYih xử lý lỗ lũy kế với số tiền là 63,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Trà Kinh Lộ 56,8 tỷ đồng, Công ty TFP Việt Nam 47,9 tỷ đồng… Các doanh nghiệp này cũng đã kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền gần tám tỷ đồng. Một cán bộ có trách nhiệm của ngành thuế Lâm Đồng phát biểu: 'Số tiền tám tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp của 17 đơn vị có vốn FDI thuộc ngành chè nộp vào ngân sách Nhà nước là con số không lớn, nhưng điều quan trọng hơn là bắt đầu từ nay, tình trạng lỗ 'ảo' kéo dài trong suốt chục năm qua được chấm dứt. Hơn thế, việc chấm dứt nạn lỗ 'ảo' của các đơn vị có vốn FDI sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài cùng một ngành nghề kinh doanh.'
Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 114 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Với kết quả điều tra nói trên, ngành thuế tỉnh Lâm Đồng đã xác định, từ năm 2005 đến nay, các doanh nghiệp FDI trong ngành chè nói trên đã kinh doanh có lãi và năm 2010 là thời điểm hết hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo quy định, các doanh nghiệp này được khấu trừ 50% thuế thu nhập doanh nghiệp theo chính sách ưu đãi trong bốn năm tiếp theo). Hiện nay, các doanh nghiệp này đã chấp nhận và đồng tình thực hiện.
Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng Phan Thị Vịnh cho biết: Dù số thu còn nhỏ, nhưng đây là thành công lớn, vì không chỉ chấm dứt tình trạng báo lỗ kéo dài của các doanh nghiệp FDI, mà còn chống thất thu thuế một cách hiệu quả. Quan trọng hơn, ngành thuế đã nhận diện được hình thức lách luật của các doanh nghiệp FDI, để từ đó có biện pháp quản lý thuế tốt hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()