LSO- Xây dựng thương hiệu không chỉ là sự thừa nhận sản phẩm hay một nhãn hiệu đơn giản. Nó là tất cả những ấn tượng mang cảm xúc và trí tuệ mà mọi người có được khi nghĩ về doanh nghiệp và sản phẩm. Thực tế cho thấy, các doanh nhân thành đạt luôn coi việc xây dựng thương hiệu là yếu tố cơ bản nhất để tạo ra thành công. Đây là một công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài bởi nó hướng quyết định mối liên hệ tuyệt đối giữa khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng với doanh nghiệp. Tuy vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn Lạng Sơn ít quan tâm đến vấn đề này. Xi măng Đồng Bành - một thương hiệu được bảo hộÔng Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết : đến nay, toàn tỉnh mới có 349 doanh nghiệp và cá nhân đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa; trong đó Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 188 bằng công nhận....
LSO- Xây dựng thương hiệu không chỉ là sự thừa nhận sản phẩm hay một nhãn hiệu đơn giản. Nó là tất cả những ấn tượng mang cảm xúc và trí tuệ mà mọi người có được khi nghĩ về doanh nghiệp và sản phẩm. Thực tế cho thấy, các doanh nhân thành đạt luôn coi việc xây dựng thương hiệu là yếu tố cơ bản nhất để tạo ra thành công. Đây là một công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài bởi nó hướng quyết định mối liên hệ tuyệt đối giữa khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng với doanh nghiệp. Tuy vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn Lạng Sơn ít quan tâm đến vấn đề này.
Xi măng Đồng Bành – một thương hiệu được bảo hộ
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết : đến nay, toàn tỉnh mới có 349 doanh nghiệp và cá nhân đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa; trong đó Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 188 bằng công nhận. Một số liệu khác của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy, 5 năm qua (2006 – 2010), cơ quan này mới tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về trình tự, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được hơn 80 tổ chức, cá nhân. So với tổng số trên 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì con số này quá khiêm tốn. Điều này cũng cho thấy, hiện nay, việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Lạng Sơn còn mang tính tự phát, manh mún, rời rạc. Nhiều doanh nghiệp ngần ngại trong việc đầu tư xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu. Thực trạng trên cũng cho thấy điểm yếu của của các doanh nghiệp Lạng Sơn trong cơ chế thị trường hiện nay. Nguyên nhân đã được cơ quan chức năng xem xét, song, chủ yếu là do hạn chế về tiềm lực tài chính (đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay). Vì vậy, họ rất ngại tốn kém chi phí và còn lo hơn khi đối diện với các thủ tục hành chính trong quá trình đăng ký bảo hộ thương hiệu. Một nguyên nhân khác khiến cho các doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng thương hiệu là do còn yếu về nhận thức luật pháp, thói quen kinh doanh nhỏ lẻ, sợ rủi ro, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà chưa thấy lợi ích lâu dài. Chỉ khi nào thương hiệu bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm thì doanh nghiệp mới tính đến việc làm thủ tục đăng ký bảo hộ.
Sản xuất chế hòa khí tại công ty TNHH Hùng Vương
Thực trạng công tác xây dựng và phát triển thương hiệu thời gian qua trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên trách về thương hiệu. Đối với doanh nghiệp tư nhân nhỏ hầu như chưa có khái niệm thương hiệu trong chiến lược kinh doanh. Đối với doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hơn thì vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu chủ yếu thuộc về ban giám đốc, các bộ phận khác như phòng kinh doanh, bộ phận bán hàng, phòng tiếp thị mang tính chất phụ trợ, giúp việc. Ở các doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề xây dựng thương hiệu cũng chưa được quan tâm thỏa đáng do ràng buộc về cơ chế, chính sách cũng như những ưu đãi của Nhà nước chưa dễ xóa bỏ. Để xây dựng và phát triển thương hiệu, mỗi doanh nghiệp cần có nhận thức đúng và đầy đủ về thương hiệu, xem thương hiệu là tài sản quý của mình, coi việc xây dựng, phát triển thương hiệu là việc sống còn, là hoạt động mang tính chiến lược trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của DN. Từ đó chú trọng đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh. Đồng thời, cần tiến hành ngay đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường mà doanh nghiệp hướng tới để tránh trường hợp thương hiệu bị đánh cắp. Đào tạo đội ngũ chuyên gia về xây dựng thương hiệu, giỏi về kinh doanh, hiểu biết về sản phẩm và có kiến thức về sở hữu công nghiệp, có óc thẩm mỹ trong thiết kế nhãn hiệu sản phẩm, không ngừng nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên bán hàng. Mặt khác, để không ngừng nâng cao uy tín thương hiệu, không thể lơ là việc tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng, mở rộng mạng lưới bán hàng; phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ nói chung và thương hiệu nói riêng ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Xuân Hoàng
Ý kiến ()