"Nhiễu điều phủ lấy giá gương" giúp người dân vượt qua đại dịch
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào đang giúp người dân trên cả nước thêm sức phòng chống dịch bệnh và có niềm tin hơn vào các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương.
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Biến thể Delta đã khiến số người bị nhiễm cao, tổn hại lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, còn các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng chính thời điểm gian nan này lại ấm lòng trước những nỗ lực chăm lo, hỗ trợ giúp người dân an tâm “Ai ở đâu thì ở đó,” để chặt đứt nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Chính phủ mới đây giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021.
Trong số đó Đồng Nai được cấp hơn 3.000 tấn gạo, An Giang gần 3.400 tấn gạo, Bình Thuận được cấp hơn 4.000 tấn gạo, còn tỉnh Bình Dương là trên 11.300 tấn gạo và Thành phố Hồ Chí Minh được cấp trên 71.100 tấn gạo.
Việc Chính phủ xuất cấp lượng lớn gạo dự trữ này đến từ việc trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cứu đói cho trên 8,6 triệu người dân trong thời gian 1 tháng với mức 15kg/khẩu tại 24 tỉnh, thành phố do ảnh hưởng của đại dịch; bởi làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân và người lao động, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoãn, ngừng việc, bị mất việc, mất thu nhập, không đảm bảo được đời sống, có nguy cơ bị thiếu đói.
Có lẽ không phải diễn đạt nhiều về động thái xuất cấp gạo không thu tiền bởi đâu phải lần đầu Chính phủ hỗ trợ người dân trong cơn hoạn nạn do dịch bệnh gây ra!
Cách đây vài tuần lễ, ba chính sách hỗ trợ, giảm giá điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ viễn thông nối sau các gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng và 62 ngàn tỷ đồng đã cho thấy, Chính phủ không chỉ tập trung phòng, chống dịch mà còn nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội.
Quan điểm đó thể hiện bằng những hành động cụ thể trong thực hiện “mục tiêu kép” là vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội. Hành động đó là các giải pháp hỗ trợ thiết thực góp phần giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất.
Trong trận chiến gian nan với dịch COVID-19 không chỉ có Trung ương triển khai các biện pháp an sinh xã hội, chú trọng đời sống người dân. Các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp chính quyền cũng đang quyết liệt giúp dân song song với chống dịch.
Như tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này quyết định hỗ trợ tiền mặt, gạo không điều kiện cho toàn bộ hơn 2,5 triệu người dân trên địa bàn đang gặp khó khăn do đại dịch. 1 triệu túi an sinh gồm lương thực, thực phẩm và một số đồ thiết yếu cũng sẽ được thành phố trao tới người dân có hoàn cảnh khó khăn và dự kiến hỗ trợ tiền nhà trọ đối với 1.580 hộ ở trọ có hoàn cảnh khó khăn với mức 1,5 triệu đồng/hộ.
Đặc biệt, địa phương đã quyết định lo toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì COVID-19. Việc làm này sẽ được thực hiện chu toàn và trang nghiêm nhất.
Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mới đây cũng đã triển khai chương trình “ATM việc làm cộng đồng” và “ATM phòng trọ cộng đồng” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi là cầu nối “kép” giữa người lao động với các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, người lao động và nhà trọ cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh.
Tại Bình Dương, địa phương này đã quyết định hỗ trợ đóng thay tiền thuê nhà trọ cho người lao động gặp khó khăn, với mức 300.000 đồng/người/lần. Đến nay, đã có 42.781 người được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với số tiền giải ngân hơn 12,8 tỷ đồng. Mặt khác, tỉnh cũng vừa bổ sung thêm gói chính sách mới để hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trong tháng 8 này.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh rất khó lường và nguy hiểm. Biến thể Delta đang lan rộng, gây lên nhiều ca mắc COVID-19 trên cả nước, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Giãn cách xã hội kéo dài nhiều tuần nay đang tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Tích lũy của người dân cạn dần, nhất là người nghèo. Sức ép tiền điện, tiền nước, chi phí sinh hoạt, bữa ăn hằng ngày đang gây rất nhiều sức ép, áp lực lên cuộc sống thường nhật của người dân trong những “vùng đỏ”, “vùng cam.” Nhu cầu cần được giúp đỡ của người dân, đặc biệt là tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gặp khó khăn do dịch bệnh là rất lớn.
Trước dịch bệnh khó lường, càng day dứt hơn là hình ảnh mất mát, chia ly. Thế nên có thể hiểu, trọn vẹn ý nghĩa của những việc làm giúp đỡ, chú trọng đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh nêu trên, đó không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị. Đó còn là cái tình, là nghĩa đồng bào, sự sẻ chia hoạn nạn, cùng nhau vượt nghịch cảnh. Mà tình yêu thương, giúp đỡ nhau khi khó khăn, “bầu ơi thương lấy bí cùng,” “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã có hàng ngàn đời nay.
Trong địch hoạ, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, gian khó thì tình dân tộc, nghĩa đồng bào ấy càng được phát huy. Như trong đại dịch này, nghĩa tình đó còn đang tỏa sáng ngày càng nhiều ở những “siêu thị 0 đồng,” tổ “đi chợ giúp dân,” “bếp ăn thiện nguyện,” là những nhóm từ thiện tự nguyện ủng hộ trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho những nơi khó khăn; các phong trào “lá lành đùm lá rách” phát động khắp các tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã.
Nghĩa tình ấy đang giúp người dân thêm sức chống chịu dịch bệnh và có niềm tin hơn vào các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương. Nghĩa tình ấy đã kết nối những nguồn sức mạnh để toàn dân cùng đất nước chung sức, đồng lòng vượt qua cuộc chiến gian khó này./.
Ý kiến ()