Nhiều điều đáng suy ngẫm về mục tiêu của những liên hoan nghệ thuật
Mới đây, khi đánh giá tổng kết về chất lượng nghệ thuật của Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc-2024 (đợt 2) vừa diễn ra tại Bình Dương, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng: có những đơn vị tham dự Liên hoan với đội hình biểu diễn đồ sộ về cả ca, múa, nhạc nhưng số đông “không phải quân nhà mình”; bên cạnh đó, có những thành phần sáng tạo xuất hiện liên tục ở nhiều chương trình, tiết mục, dẫn đến sự trùng lặp về bài trí, về khai thác các nền tảng công nghệ âm nhạc… Điều này gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm về mục tiêu của những liên hoan nghệ thuật hiện nay.
Bên cạnh mục đích tạo sân chơi để các nghệ sĩ tài năng được giao lưu, học hỏi về chuyên môn nghề nghiệp, có cơ hội được tỏa sáng và vinh danh, các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức theo định kỳ còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật “điểm binh” về đội ngũ, thể hiện chất lượng đào tạo, khai thác và phát triển nguồn nhân lực tại đơn vị, địa phương mình. Từ đó tạo cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước, quản lý nghệ thuật tại các địa phương có thể đánh giá thực trạng và tìm ra giải pháp, chính sách, phương hướng hoạt động phù hợp hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều lực lượng sáng tác và biểu diễn ngoài đơn vị, ngoài địa phương để dàn dựng, trình diễn tác phẩm, tiết mục dự thi lại khiến mục tiêu không thể thực hiện. Điều này dẫn đến việc đánh giá thực lực nghệ thuật của đơn vị không chính xác, kéo theo việc đề ra chính sách, giải pháp để phát huy ưu điểm và hạn chế khuyết điểm cũng khó đạt hiệu quả trên thực tế. Chưa kể, tính phát hiện, tính mới trong quá trình cọ xát nghệ thuật giữa các đơn vị tại liên hoan cũng bị suy giảm, và lợi thế hiển nhiên thuộc về những đơn vị nghệ thuật có tiềm lực, có khả năng huy động ê-kíp sáng tạo, biểu diễn hùng hậu, chuyên nghiệp.
Thực trạng này khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến diện mạo của nhiều kỳ Liên hoan sân khấu trước đây, khi thành phần sáng tạo của các vở diễn quanh đi quẩn lại chỉ là vài gương mặt đạo diễn, tác giả lão làng. Đã dự thi thì đơn vị nào cũng mong có giải và cố gắng giành giải, nên hầu hết đều “chọn mặt gửi vàng” cho những tác giả, đạo diễn nổi tiếng. Chưa cần biết vở diễn hay, mới, hấp dẫn đến đâu, chỉ riêng tên tuổi của họ phần nào cũng đã đủ bảo chứng cho chất lượng tác phẩm. Thế nên không ít ý kiến ví von các kỳ liên hoan sân khấu đó thực chất là cuộc “so găng” giữa các tác giả, đạo diễn tên tuổi. Điều này cũng lý giải tại sao lớp tác giả trẻ, đạo diễn trẻ ít có đất dụng võ, dù hằng năm vẫn có những đạo diễn sân khấu ra trường, vẫn có những trại sáng tác được tổ chức thường xuyên với không ít kịch bản được thai nghén, nghiệm thu.
Cũng bởi vậy, đời sống sân khấu và nghệ thuật biểu diễn nói chung cứ thế trầm lắng. Xuất hiện nhiều vở diễn xem được nhưng khó tìm thấy những bứt phá thật sự, và bài toán thiếu vắng tác giả, đạo diễn tài năng cứ thế kéo dài từ năm này sang năm khác… Sự thiếu thực chất kéo dài chính là một sự lãng phí.
Ngọc phải mài mới sáng, những nghệ sĩ trẻ cũng cần được trao cơ hội mới có thể trưởng thành. Để sân chơi nghệ thuật của các đơn vị đi vào thực chất, đã đến lúc, cơ quan quản lý văn hóa cần có những quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn nhân lực tham gia các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp (chẳng hạn như quy định mỗi tác phẩm phải bảo đảm bao nhiêu % nghệ sĩ của đơn vị tham gia, mỗi đạo diễn, biên đạo… chỉ được nhận dàn dựng tối đa bao nhiêu tác phẩm, tiết mục trong một mùa giải…), sao cho mỗi cuộc thi, liên hoan phải thật sự là ngày hội nghề nghiệp, nơi các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ tại chính đơn vị, địa phương có môi trường chứng minh thực lực, được trau dồi kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn. Có như vậy, những cuộc thi, liên hoan nghệ thuật mới thật sự trở thành đòn bẩy, động lực đưa nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà phát triển rộng khắp và tiến xa hơn.
Ý kiến ()