Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): Đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới
Ngày 8-10, tại Thái Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt báo chí thông tin về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã thông tin về bối cảnh tình hình mới và những vấn đề đặt ra cho công tác thông tin, tuyên truyền về công nhân, công đoàn; những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn (sửa đổi) và những vấn đề cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền…
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Luật Công đoàn hiện hành (còn gọi là Luật Công đoàn 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013), sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để khắc phục một số hạn chế còn tồn tại, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới cũng như phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành. Trên cơ sở kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả của Luật Công đoàn 2012; dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.
Theo thông tin tại buổi họp báo, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 5 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012 và có một số nội dung thay đổi chủ yếu như: Sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Về một số vấn đề trọng tâm tuyên truyền, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, thành tích mà công tác công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được, trong thời gian tới, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần tập trung tuyên truyền, làm rõ những bất cập trong chính sách liên quan đến công nhân, công đoàn; tình hình việc làm bấp bênh, không bền vững và các nguy cơ mất việc làm của người lao động; cơ hội tiếp cận nhà ở, hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa; đời sống vật chất, tinh thần và nguy cơ nghèo hóa của công nhân; vấn đề an ninh, an toàn (gồm an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ,…) trong công nhân lao động.
Ý kiến ()