Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Thông tin trên được ông Lê Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đưa ra tại buổi hợp báo công tác tư pháp Quý I/2024 diễn ra chiều ngày 12/4 tại Hà Nội.
Quá 70 tuổi sẽ không thể hành nghề công chứng viên
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết trong quá trình xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cũng nêu rõ: Một trong những quy định mới là giảm thời gian đào tạo nghề công chứng. Theo đó, để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên, dự thảo luật quy định những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành sẽ tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng từ 12 tháng xuống còn 6 tháng (khoản 3 Điều 9). Tại Điều 10 dự thảo luật quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.
Đồng thời, dự thảo luật quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự; bổ sung quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực. Để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi (Điều 8, Điều 14, Điều 15); đồng thời để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Bổ sung quy định về công chứng điện tử
Thông tin thêm về những điểm mới trong dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp nói: Về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, do Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được bãi bỏ từ ngày 1/1/2019 nên việc xác định thành lập tổ chức hành nghề công chứng nói riêng trong giai đoạn mới là cần thiết để đảm bảo phát triển đúng định hướng ổn định, bền vững. Theo đó, dự thảo quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.
Đặc biệt, theo dự thảo luật (từ Điều 60- 63) đã quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Trên cơ sở các quy định cơ bản này, dự thảo luật giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế, bao gồm: Công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định 2 quy trình gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.
Được biết, trong quá trình lấy ý kiến về các quy định mới, nhiều chuyên gia đánh giá các quy định về công chứng điện tử tương đối sát với các đặc điểm của công chứng điện tử trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, điều kiện theo yêu cầu pháp luật của Việt Nam. Dự thảo đã thể hiện được đầy đủ các đặc điểm của hoạt động công chứng điện tử bao gồm việc công chứng viên sử dụng chữ ký số chứng nhận các giao dịch dân sự được thể hiện bằng văn bản điện tử và tuân thủ theo quy định của Luật Công chứng. Để đảm bảo phát huy giá trị và lợi ích của công chứng điện tử, từ kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia đã triển khai công chứng điện tử, hoạt động này cần được thực hiện trên một nền tảng thống nhất gắn với một cơ sở dữ liệu công chứng tập trung có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức nghề nghiệp.
Đẩy nhanh việc kết nối các phần mềm phục vụ thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID
Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho hay, trong thời gian qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu đẩy nhanh việc kết nối các phần mềm phục vụ thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dựng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế; thực hiện phân quyền cho Sở Tư pháp tra cứu thông tin có trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, theo đó, tính đến nay có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền. Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết kịp thời khoảng 230.000 phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 09% so với cùng kỳ năm 2023). Tỷ lệ phiếu trực tuyến chiếm khoảng 84% trên tổng số phiếu đăng ký và phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự…
Ý kiến ()