Nhiều địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động nổi bật trong lĩnh vực y tế
Nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ những tháng cuối năm, nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các hoạt động trong lĩnh vực y tế như: Giám sát, theo dõi chặt chẽ trường hợp tiếp gần với ca bệnh Đậu mùa khỉ; Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19; Triển khai chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng…
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Hoàng Hà Nội: Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 – 2025
Ngày 6/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch để kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 – 2025.
Theo UBND thành phố Hà Nội, ngày 6/3/2020, Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn là người nhập cảnh từ châu Âu về Hà Nội. Cùng với cả nước, Hà Nội đã trải qua 4 đợt dịch với các quy mô, mức độ khác nhau trong đó đợt dịch thứ tư là phức tạp nhất.
Theo số liệu mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, tổng cộng cả 4 đợt dịch, thành phố có gần 1,7 triệu người mắc (trong cộng đồng và nhập cảnh); số người tử vong là 1.347.
Theo dự báo, dịch COVID-19 diễn ra trên địa bàn cả nước và Hà Nội vẫn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hạn với mục đích là bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
UBND thành phố phấn đấu giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19; đảm bảo việc quản lý COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
UBND thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch; nhất là đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch và xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 – 2025 trên cơ sở thực tế đảm bảo đáp ứng tốt các tình huống dịch đột xuất xảy ra.
Xây dựng và triển khai thực hiện lồng ghép tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng Quốc gia; hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B.
UBND thành phố giao Sở Y tế là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố; rà soát, nghiên cứu tham mưu các giải pháp phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình thực tiễn trên địa bàn; thường xuyên cập nhật tình hình dịch, đánh giá xác định nguy cơ dịch để tham mưu triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp.
Hồ Chí Minh: Triển khai chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng
Ngày 5/12, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Novartis Việt Nam đã ký kết hợp tác triển khai chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng bằng ứng dụng di động UMC Care. Đây được xem là cầu nối giúp cho việc tương tác giữa bác sĩ và các bệnh nhân ghép tạng thuận lợi hơn. Người bệnh có được kiến thức về ghép tạng một cách chủ động hơn. Đồng thời, ứng dụng giúp quy trình đăng ký và quản lý việc hiến tạng hiệu quả hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2018, đơn vị này bắt đầu triển khai ghép tạng và đến nay đã thực hiện được khoảng 200 ca ghép thận, 50 ca ghép gan. Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu triển khai ghép tim và đưa ghép tạng trở thành ưu tiên hàng đầu trong 3 – 5 năm tới. Mặc dù vậy, theo bác sĩ Phạm Văn Tấn, cũng như các cơ sở ghép tạng khác, việc triển khai ghép tạng tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu nguồn cung nội tạng, bệnh nhân tuân thủ điều trị thấp, điều trị sau phẫu thuật ghép tạng không đúng cách dẫn đến thải ghép và nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân phải đối mặt với việc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe hậu phẫu ghép tạng. Nguồn cung cấp thuốc ức chế miễn dịch không ổn định, thiếu nền tảng tương tác hiệu quả giữa bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.
Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh và đại diện Novartis Việt Nam tại buổi Lễ ký kết.
Ảnh: Đinh Hằng
Từ năm 2021, Bệnh viện Đại học Y dược đã xây dựng ứng dụng UMC Care, một ứng dụng hoàn toàn miễn phí để người bệnh sử dụng trong việc đăng ký khám bệnh, xem hồ sơ sức khỏe, xem kết quả khám bệnh của mình… Dựa trên nền tảng đó, cùng với sự hỗ trợ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Novartis Việt Nam, Chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng tích hợp trong ứng dụng UMC Care chính thức ra đời nhằm giúp việc tương tác giữa bệnh viện, bác sĩ và các bệnh nhân ghép tạng được thuận tiện, nhanh chóng. Từ đó, bệnh nhân được hỗ trợ quản lý tình trạng bệnh của bản thân một cách chủ động. Nền tảng này đồng thời hỗ trợ quy trình đăng ký và quản lý việc hiến tạng hiệu quả hơn; cung cấp nguồn lực để Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình giáo dục bệnh nhân ghép tạng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng. Tỷ lệ thành công của các ca ghép tạng tại Việt Nam là khoảng 95%, tương đương với các nước trên thế giới. Tỷ lệ bệnh nhân ghép tạng sống sau 5 năm đạt từ 85 – 90%. Các ca ghép tạng tại Việt Nam chủ yếu là ghép thận (khoảng 90%), còn lại là ghép tim, gan, phổi, tụy.
Tiền Giang: Giám sát, theo dõi chặt chẽ trường hợp tiếp gần với ca bệnh Đậu mùa khỉ
Ngày 6/12, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện 1 ca bệnh Đậu mùa khỉ đầu tiên. Bệnh nhân tên T.M.T (32 tuổi, ngụ Ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy), khởi phát bệnh ngày 20/11. Ngày 24/11, bệnh nhân đến bệnh viện với các triệu chứng sang thương da là các mụn nước rải rác ở mặt, ngực, cánh tay, mông kèm ớn lạnh.
Bệnh viện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân ngày 24/11. Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/11 cho thấy bệnh nhân dương tính với virus Đậu mùa khỉ.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, truy vết, xác định người tiếp xúc gần hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng (ghi nhận 3 trường hợp tiếp xúc gần, sống cùng nhà với bệnh nhân). Báo cáo kết quả điều tra về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở y tế địa phương hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục cách ly, tránh tiếp xúc với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục; đồng thời yêu cầu bệnh nhân thông báo cho các trường hợp tiếp xúc gần, khi có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban cùng nổi hạch… cần hạn chế tiếp xúc người khác, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, cách ly kịp thời. Cán bộ y tế hướng dẫn người nhà của bệnh nhân vệ sinh khử khuẩn, thực hiện thông khí, sử dụng quạt, hạn chế dùng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa cùng bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất khử khuẩn.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp gần với ca bệnh Đậu mùa khỉ lực lượng chức năng tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng; tiếp tục theo dõi tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, báo cáo ngay cho Sở Y tế khi có dịch bệnh phát sinh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, không để dịch bùng phát lây lan.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/cham-soc-va-nang-cao-suc-khoe-nhan-dan-trong-tinh-hinh-moi/nhieu-dia-phuong-trien-khai-hieu-qua-cac-hoat-dong-noi-bat-trong-linh-vuc-y-te-654600.html
Ý kiến ()