Nhiều địa phương tổ chức dạy học trở lại
Học sinh Trường THPT Việt Ðức (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) được kiểm tra thân nhiệt trong ngày đầu đi học trở lại.
Một số địa phương có tỷ lệ học sinh đến trường đạt cao như: Lâm Ðồng (cấp tiểu học đạt 97,3%, THCS 97,5%, THPT hơn 98%), Ðà Nẵng (tiểu học đạt 98,2%; THCS 99,3% và THPT 98,9%); Ninh Thuận (THCS đạt hơn 95%, THPT hơn 97%)…
Nhìn chung, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch như: nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, ngồi giãn cách, chia ca học. Một số địa phương học sinh đến trường còn thấp do một số nguyên nhân. Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh Long An, ngày 4-5 học sinh cấp THCS và THPT đi học trở lại có 2.101 học sinh chưa trở lại trường. Qua tìm hiểu của các trường, phần lớn học sinh vắng do bận việc gia đình. Ðối với những học sinh vắng chưa liên lạc được, trường đang tiếp tục liên lạc với gia đình để nắm thông tin và vận động gia đình cho các em trở lại lớp. Sở GD và ÐT tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, khó khăn hiện nay là vận động, đưa học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến trường trở lại. Nguyên nhân do học sinh nghỉ học lâu ngày, tạo ra sức ỳ, ngoài ra, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang vào cuối mùa rẫy, nhiều học sinh đã nghỉ học để theo cha, mẹ lên rẫy sản xuất. Ðể học sinh trở lại trường, các thầy giáo, cô giáo phải leo đèo, vượt suối đến từng bản vận động cha, mẹ học sinh, trưởng bản hoặc người có uy tín động viên học sinh đi học trở lại.
Nhiều cơ sở giáo dục đã có cách làm sáng tạo trong phòng, chống dịch. Tại Ðà Nẵng, các trường tiểu học không tổ chức bán trú, học một buổi/ngày; bố trí lệch giờ ra chơi và giờ tan học đối với học sinh THCS và THPT. Tại Vĩnh Phúc, học sinh lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, 11 học buổi sáng; học sinh lớp 4, 5, 8, 9, 12 học buổi chiều. Trong ngày đầu học sinh trở lại trường, Trường đại học Sư phạm (Ðại học Ðà Nẵng) đã trao 35 máy rửa tay sát khuẩn tự động cho các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố để hỗ trợ phòng, chống dịch. Tại Hà Giang, huyện Ðồng Văn là địa phương đầu tiên của tỉnh có ca nhiễm Covid-19 đã cho học sinh đi học; riêng 14 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tại các địa bàn vừa mới dỡ bỏ phong tỏa sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến ngày 10-5. Tại trường THPT số 1 thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) lắp đặt máy phun khử khuẩn tự động, do các em học sinh của nhà trường chế tạo.
★ Sáng sớm 4-5, tất cả các cơ sở Ðoàn Thanh niên cấp quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt triển khai nhiều hình thức hỗ trợ học sinh, sinh viên đi học trở lại. Tiêu biểu, Quận đoàn Tây Hồ lắp đặt 12 máy rửa tay sát khuẩn tự động ở các trường THCS, THPT… Quận đoàn Hoàng Mai thành lập 23 chốt tình nguyện đo thân nhiệt, phát dung dịch rửa tay sát khuẩn, khẩu trang tặng học sinh; Ðoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) và Ðoàn Thanh niên Công an, Ðoàn Thanh niên Công ty Ðiện lực huyện Phúc Thọ phối hợp phân luồng giao thông, trao thiết bị y tế, nhu yếu phẩm tặng các trường mầm non, tiểu học và THCS… Các cơ sở Ðoàn Thanh niên của các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô triển khai lực lượng tình nguyện đến giảng đường, tòa nhà lớp học, nơi gửi xe… để tuyên truyền, đo thân nhiệt, cấp phát dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí tặng sinh viên.
★ Ngay ngày đầu học sinh trở lại trường, Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã đến Trường THPT Phan Ðình Phùng (quận Ba Ðình, Hà Nội) kiểm tra việc tổ chức dạy học trong điều kiện phải giãn cách vì dịch Covid-19. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn chung của ngành GD và ÐT; đề nghị thầy giáo, cô giáo tiếp tục kiên trì vượt qua khó khăn lúc này, cố gắng vì quyền lợi và sự an toàn của học sinh. Mặc dù thời điểm này, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhưng nguy cơ bùng phát trở lại luôn tiềm ẩn. Chỉ cần một học sinh bị nhiễm bệnh thì mức độ lây nhiễm rất cao. Vì vậy, ngành giáo dục tiếp tục đề cao cảnh giác để bảo đảm an toàn trong nhà trường, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đối phó. Các cơ sở giáo dục thực hiện giãn cách là cần thiết nhưng cần linh hoạt, không cứng nhắc.
Bộ trưởng lưu ý các cơ sở giáo dục cần thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng dịch, vừa thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học. Cụ thể, duy trì và tăng cường thời gian dạy trực tuyến, áp dụng hình thức dạy trực tiếp cho ôn luyện và dạy những bài khó, nhất là chú trọng đến lớp 9 và lớp 12; giáo viên tập trung thời gian ôn tập cho học sinh trong hai tuần đầu; hỗ trợ tâm lý cho học sinh để tránh xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Bên cạnh đó, nội dung kiểm tra, thi học kỳ phải phù hợp điều kiện, tránh gây căng thẳng, áp lực cho giáo viên, học sinh. Thời gian tới, Bộ GD và ÐT sẽ ban hành bài thi tham khảo, căn cứ vào đó, giáo viên định hướng cho học sinh. Bên cạnh việc hướng dẫn ôn tập, nhà trường cần phải định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
★ Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 18 giờ ngày 4-5, đã tròn 18 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 27.409 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 238 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.871 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 21.300 người.
★ Chiều 4-5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức họp với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam giao Bộ KH và CN chủ trì, phối hợp Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19. Hiện, có bốn đơn vị trong nước đang triển khai các hướng nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19. Tại buổi họp, các đơn vị nghiên cứu đã báo cáo các hướng nghiên cứu, đồng thời cho rằng, việc nghiên cứu đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, chi phí tốn kém và thời gian kéo dài, cần sự phối hợp của các đơn vị, cơ quan quản lý để rút ngắn thời gian, nhưng vẫn bảo đảm tính an toàn của nghiên cứu. Bộ KH và CN cho biết, sẽ tổ chức Hội đồng khoa học xét, tuyển chọn các đề xuất để phê duyệt và triển khai nghiên cứu.
★ Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết: Trong ngày 4-5, có hai người bệnh mắc Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh: Người bệnh thứ 166 (nữ, 25 tuổi) điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình; người bệnh thứ 170 (nam, 27 tuổi) điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Các trường hợp nêu trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
★ Bệnh viện Ðà Nẵng cho biết: Từ ngày 4-5, bệnh viện triển khai ứng dụng khai báo y tế trực tuyến (online) để tăng cường hiệu quả sàng lọc đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Người bệnh, người nhà người bệnh và những người đến liên hệ công tác tại Bệnh viện Ðà Nẵng có thể khai báo y tế tại nhà qua ứng dụng khai báo y tế của bệnh viện (tại địa chỉ
http://bvdn.danang.gov.vn hoặc http://dananghospital.org.vn).
★ Chiều 4-5, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Y tế thành phố cho biết: Ngành y tế tiến hành xét nghiệm hằng ngày cho các trường hợp được công bố khỏi bệnh trên địa bàn thành phố, thay vì năm ngày mới xét nghiệm như trước đây. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện theo dõi sâu sát để kịp thời phát hiện, cách ly, ngăn chặn kịp thời các trường hợp dương tính lại trên địa bàn.
★ Chiều 4-5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao, người dân không được chủ quan. Tất cả các trường hợp đã khỏi bệnh phải tiếp tục cách ly tại nhà từ 30 đến 35 ngày và lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên. Các quận, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra việc các cửa hàng không thiết yếu mở cửa sau 9 giờ. Nếu trong ngày 5-5, huyện Mê Linh không có ca mắc mới, dự kiến 0 giờ ngày 6-5, huyện sẽ công bố quyết định kết thúc cách ly thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh). Cùng ngày, có ba học sinh khi đến trường có biểu hiện sốt, các trường tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.
★ Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: nghiêm túc thực hiện việc tiếp đón, sàng lọc, phân luồng, cách ly theo quy định; hạn chế số lượng người ra vào cơ sở y tế, không tập trung đông người tại một thời điểm bằng hình thức hẹn khám qua điện thoại, qua in-tơ-nét…
Theo Bộ GD và ÐT, để chuẩn bị cho sinh viên học tập trung, các trường đại học đã vệ sinh khu ký túc xá, học đường cũng như chuẩn bị các điều kiện vệ sinh cơ bản theo quy định về phòng dịch của Bộ Y tế. Việc tổ chức học tập trung tuân thủ giãn cách theo đúng quy định (1,5m). Ðể bảo đảm tiến độ học tập, giảng dạy, các trường đại học cũng đã bố trí sinh viên học tập đan xen giữa học trực tuyến và học tập trung. Ðối với sinh viên năm cuối, sẽ được ưu tiên bố trí học tập trung, đồng thời tổ chức đánh giá kết quả học tập sớm và chuẩn bị tổ chức cho sinh viên tốt nghiệp. Trong ngày 4-5, có 121 cơ sở giáo dục đại học cho sinh viên đi học trở lại. Một số cơ sở giáo dục đại học cho sinh viên đi học trở lại từ ngày 11-5 hoặc chưa có lịch cụ thể… |
Tối 4-5, Bộ Y tế cho biết, trường hợp người bệnh chết sáng 1-5 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam không phải do Covid-19. Ðược biết, người bệnh được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 20-3 với các bệnh xơ gan giai đoạn cuối, suy kiệt, bệnh gút nặng, cứng khớp, teo cơ. Ngày 7-4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 cho nên chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư để điều trị Covid-19. Sau thời gian điều trị đã bốn lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (vào các ngày 10, 12, 15 và 17-4) và được xác định khỏi bệnh, không còn bị nhiễm Covid-19; chuyển tuyến dưới để điều trị bệnh xơ gan từ ngày 17-4. Do tình trạng xơ gan giai đoạn cuối rất nặng, người bệnh có biểu hiện hôn mê do suy giảm chức năng gan trầm trọng và rối loạn điện giải. Người bệnh chết với chẩn đoán do xơ gan giai đoạn cuối; kết quả xét nghiệm cũng âm tính với SARS-CoV-2; không có bất cứ triệu chứng nào của tổn thương phổi do Covid-19 gây ra. Ngày 4-5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế cũng đã họp và xác định nguyên nhân chết không phải do Covid-19. Ðến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào chết do Covid-19. |
Ý kiến ()