Nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp về thẩm quyền đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
– Ngày 15/4, tại tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác số 3 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăng vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chủ trì hội nghị trực tuyến với 9 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, 9 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc được giao 48,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến hết tháng 3/2023, các tỉnh nêu trên đã giải ngân được hơn 3.500 tỷ đồng tương đương 7,2% kế hoạch thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước. Trong đó có 8/9 tỉnh giải ngân đạt trên 5% kế hoạch và có 1/9 tỉnh giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.
Đối với Lạng Sơn, toàn tỉnh được giao 3.891 tỷ đồng vốn đầu tư công, đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết gần 3.200 tỷ đồng, còn hơn 700 tỷ đồng chưa phân bổ. Kết quả giải ngân từ đầu năm đến hết ngày 13/4 đạt 12,3% kế hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành sớm giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho tỉnh đối với 3 dự án vốn ngân sách trung ương và 1 dự án sử dụng vốn ODA; cho phép tỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án và giải ngân vốn ODA năm 2022 chuyển sang năm 2023 đối với 3 dự án. Về công tác giải phóng mặt bằng đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường bổ sung chỉ tiêu đất giao thông cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia trên địa bàn tỉnh, của tỉnh với diện tích khoảng 550 ha.
Tại hội nghị, các địa phương đã nêu những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương như: thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa phức tạp ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư còn phức tạp dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ dự án; một số bộ, ngành chưa hướng dẫn chi tiết thực hiện đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến ách tắc trong việc triển khai; thiếu các mỏ đất đắp, bãi đổ thải; thiếu chỉ tiêu về đất giao thông thực hiện các dự án trọng điểm…
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, các địa phương kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh phân cấp về thẩm quyền đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa về cho địa phương xử lý; sửa đổi luật, các nghị định hướng dẫn liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công để giảm bớt các thủ tục hành chính. Đối với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn cụ thể…
Tại hội nghị, các bộ ngành liên quan đã giải đáp ý kiến của các địa phương về vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công và giải ngân vốn, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Theo đó. một số vướng mắc liên quan đến thủ tục rút gọn trong thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia hiện đã được một số bộ ngành hướng dẫn cụ thể. Về lâu dài, hiện các bộ đang tham mưu cho Chính phủ sửa đổi một số văn bản để giảm bớt các thủ tục hành chính và hướng dẫn rõ hơn nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho địa phương. Các bộ cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục rà soát các nguồn vốn, tình hình thực hiện các dự án và có giải pháp cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các tỉnh cần quyết liệt hơn trong việc tổ chức triển khai các dự án đầu tư công. Các bộ ngành trung ương cần nêu cao trách nhiệm trong việc phối hợp, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn về thủ tục trong thực hiện các dự án theo thẩm quyền.
Đối với những vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn triển khai chương trình.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các dự án cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023, đồng chí đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm sử dụng vốn đầu tư công đúng đối tượng, hiệu quả chất lượng.
Ý kiến ()