Nhiều địa phương dành ngân sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân
Trong năm 2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giảm xuống đạt tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây. Đến nay, đã có 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Trao tặng thẻ bảo hiểm y tế tặng người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: GSS) |
Giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 21/2, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ) với hơn 93,3 triệu người tham gia,
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, năm 2023, mặc dù trong điều kiện triển khai nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành động lực hành động, bám sát thực tiễn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn ngành đã triển khai quyết liệt công tác thu, phát triển người tham gia,và giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của toàn ngành đã đạt và vượt các chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Một số kết quả nổi bật như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ) với hơn 93,3 triệu người tham gia, là chỉ tiêu kinh tế-xã hội, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Đến nay, đã có 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 chiếm 2,69% số phải thu. Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất trong 7 năm trở lại đây, từ mức 6% của năm 2016 xuống còn 2,69% của năm 2023.
Trong năm qua, tổng thu chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là gần 912 nghìn tỷ đồng liên quan đến hầu hết người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Trong đó, tổng số thu các quỹ là hơn 472 nghìn tỷ đồng, tổng số chi các quỹ là hơn 439 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, đã có 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Tăng độ bao phủ người tham gia trong năm 2024
Tại hội nghị, trên cơ sở đánh giá các kết quả thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đại diện các doanh nghiệp tổ chức dịch vụ thu, bảo hiểm xã hội các địa phương đã trao đổi, thảo luận nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2024. Đó là: tăng độ bao phủ người tham gia; tăng thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, năm 2023, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt được nhiều kết quả nổi bật với những nỗ lực cố gắng rất lớn từ đội ngũ cán bộ làm công tác thu. Các quy định chính sách cũng ngày càng được hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, qua đó tạo thuận lợi cho công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TÂM TRUNG |
Hiện nay, có 3 tổ chức dịch vụ ký hợp đồng nguyên tắc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đó là: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty dịch vụ số Viettel, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI. Cả nước có 611 tổ chức dịch vụ khác và 28.285 điểm thu với 56.342 nhân viên thu, 30.412 cộng tác viên.
Nhận định về tình hình lao động tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2024, ông Dương Văn Hào cho biết, tỷ lệ lao động quay lại làm việc ở các địa phương khá lạc quan, có những địa phương đạt tỷ lệ 100%… Đây là cơ sở thuận lợi để cơ quan bảo hiểm xã hội đẩy mạnh triển khai các giải pháp thu, phát triển người tham gia ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, dự báo trong năm sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi tiếp tục cần triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đôn đốc thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
“Căn cứ kế hoạch được giao, bảo hiểm xã hội tỉnh giao chỉ tiêu cho từng huyện, tổ chức dịch vụ thu và triển khai các giải pháp để phát triển người tham gia trên địa bàn; phát động phong trào thi đua trong công tác thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Dương Văn Hào nhấn mạnh.
Đánh giá bối cảnh năm 2024 có cả yếu tố thuận lợi và khó khăn, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục nêu cao quyết tâm, chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản, giải pháp cụ thể ở từng nhóm đối tượng, rõ chỉ tiêu ở từng mảng công tác. Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội để tăng cường sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, tiếp tục nêu cao hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp xã, gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu.
Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, với tinh thần khẩn trương, tận dụng thời gian bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2024, các địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, chỉ đạo triển khai mạnh các giải pháp thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các bài học kinh nghiệm, tiếp tục tranh thủ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024, giao chỉ tiêu và yêu cầu bảo hiểm xã hội các huyện nhanh chóng triển khai; chú trọng nhân rộng các mô hình hay, phù hợp; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao niềm tin, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp… Từ đó, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()