Nhiều đề xuất đầu tư cho vận chuyển than từ Lào về Việt Nam
Lượng than nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay hiện rất lớn, có thời điểm lên tới 12.000 tấn/ngày với khoảng 500 lượt xe tải trọng lớn qua lại cửa khẩu quốc tế La Lay.
Nhập khẩu và vận chuyển mặt hàng than từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Tỉnh Quảng Trị xác định nhập khẩu và vận chuyển mặt hàng than là một trong những lĩnh vực trọng điểm trong phát triển kinh tế hiện nay và thời gian tới.
Lượng than nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay hiện rất lớn, có thời điểm lên tới 12.000 tấn/ngày với khoảng 500 lượt xe tải trọng lớn qua lại cửa khẩu này.
Tiềm năng nhập khẩu than đá giữa hai nước Việt Nam-Lào qua cửa khẩu quốc tế này là rất lớn, có thể đạt 500 triệu tấn trong vòng 50 năm tới.
Do đó, tỉnh đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát và đề xuất thực hiện các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng vận chuyển, kho bãi, sang hạ tải phương tiện cho mặt hàng than; cũng như đề xuất các dự án về dịch vụ, cung ứng nhiên liệu cho người và phương tiện tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, tỉnh đã nhận được nhiều đề xuất đầu tư thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng như: kho bãi, cảng cạn, băng tải vận chuyển than của các doanh nghiệp, để thực hiện vận chuyển than từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh đã tích cực chủ động làm việc với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ để được hỗ trợ, thống nhất chỉ đạo triển khai các thủ tục để phê duyệt dự án.
Tháng 6/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án: “Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.”
Nhà đầu tư dự án là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Tiến. Dự án thực hiện tại xã A Ngo, huyện Đakrông; diện tích đất sử dụng khoảng trên 23 ha; công suất thiết kế 30 triệu tấn than/năm; trong đó, giai đoạn 1 (từ quý 4/2024-quý 4/2026 là 15 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 (quý 1/2030-4/2031) là 15 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự án trên 1.489 tỷ đồng, thời hạn hoạt động trong 30 năm.
Dự án “Kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị” có mục tiêu bốc xếp hàng hóa, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.
Dự án có quy mô khoảng trên 12 ha; công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm; tổng vốn đầu tư trên 715 tỷ đồng; thời hạn hoạt động trong 30 năm. Hiện nay dự án đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án “Hệ thống băng tải vận chuyển than từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy” (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) dài khoảng 85km.
Dự án dự kiến sẽ đấu nối với hệ thống băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, tại khu vực Kho bãi hàng hóa thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông nhằm đảm bảo thống nhất công suất vận chuyển than trên toàn hệ thống là 30 triệu tấn/năm.
Dự án này hiện có 2 nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu, khảo sát để thực hiện dự án. Ngoài ra, còn có dự án “Kho bãi và điểm trung chuyển hàng hóa” tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ đang trong quá trình hoàn thành thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay như: bãi tập kết hàng hóa, bãi chờ… để giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường nhằm tạo điều kiện cho việc lưu thông qua lại tại cửa khẩu được thuận lợi./.
Ý kiến ()