Nhiều đại gia ngoại nhòm ngó thị trường Việt Nam
Hiện đoàn 42 doanh nghiệp lớn từ châu Âu, tháp tùng Cao ủy phụ trách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan, đang có nhiều hoạt động sôi nổi với mục đích chính là tìm cơ hội xâm nhập thị trường nông nghiệp tại Việt Nam.
Một góc TPHCM |
Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên của phải đoàn trong chuyến công du khu vực Đông Nam Á. Tại đây, Cao ủy Phil Hogan cùng các doanh nghiệp tham dự các hội thảo và gặp mặt doanh nghiệp tại Hà Nội và TPHCM.
Ngày 3/11 tại Hà Nội, đoàn doanh nghiệp châu Âu đã giới thiệu nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, từ rau quả tươi cho tới thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại rượu vang và rượu mạnh. Ngoài ra, đoàn đại biểu cũng thảo luận các chủ đề về an toàn thực phẩm, đầu tư, phân phối, việc cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng như những cơ hội kinh doanh giữa hai bên. Đoàn cũng sẽ tới thăm các hệ thống bán lẻ của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để có được cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường Việt Nam.
Hôm qua, 3/11, cùng đoàn doanh nghiệp châu Âu tới gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Chính phủ, Cao ủy Phil Hogan cho biết, các doanh nghiệp châu Âu không chỉ quan tâm làm ăn thương mại với Việt Nam mà còn muốn đầu tư vào Việt Nam bởi “họ hiểu rằng Việt Nam có một vị trí đặc biệt để những mặt hàng sản xuất ở đây không chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam mà còn chuyển sang các thị trường rộng lớn hơn trong khu vực”. Ông thông tin, sắp tới nhiều doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam, ví dụ như Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Auchan (Pháp) sẽ mở 400 cửa hàng ở Việt Nam.
Cũng trong ngày hôm qua, đến chào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp nhận nhiệm vụ ở Việt Nam, Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg cho biết chưa bao giờ các doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm đến thị trường Việt Nam như bây giờ. Theo Đại sứ, vào tháng 12 tới, hãng ô tô Volvo sẽ mở showroom ở TPHCM, sau đó là ở Hà Nội. Dự kiến, 2 doanh nghiệp nổi tiếng thế giới của Thụy Điển là IKEA (đồ gia dụng, nội thất) và H&M (thời trang) sẽ sớm mở cửa hàng ở Việt Nam. Hãng viễn thông Ericsson cũng mong muốn nắm bắt cơ hội đầu tư vào mạng 4G ở Việt Nam.
Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Thụy Điển do Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Ann Linde dẫn đầu đã sang Việt Nam nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.
Được biết, từ ngày 18/12/2016 đến 2/4/2017, Tập đoàn TUI Bắc Âu tổ chức mỗi tuần một chuyến bay thẳng từ Thụy Điển đến Phú Quốc bằng loại máy bay Boeing 787 Dreamliner 299 chỗ ngồi. Theo tính toán, sẽ có khoảng 5.000 khách từ Thụy Điển đến thăm hòn đảo tuyệt đẹp của Việt Nam trong 6 tháng tới.
Không chỉ đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm đến đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết đang rất quan tâm đến chương trình cổ phần hóa, các công ty niêm yết mới tại Việt Nam, nhất là dự định bán cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước lớn như Công ty cổ phần Sữa Vinamilk (VNM), Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia Hà Nội (Habeco)… Theo Nikkei, 2 hãng bia là Asahi Group và Kirin Holdings của Nhật Bản đang cân nhắc việc tham giá đấu giá mua cổ phần của Sabeco.
Theo kế hoạch, Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước trước khi xem xét bán cổ phần cho các nhà đầu tư quan tâm.
Ý kiến của nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, một trong những động lực hấp dẫn họ đến Việt Nam là những nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ trong thời gian qua của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()