Nhiều đặc sản vùng miền phục vụ người dân Thủ đô dịp Tết Nhâm Dần
Với chủ đề “Nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt”, Hội chợ Xuân Nhâm Dần năm 2022 mang đến nhiều đặc sản vùng miền có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng làm hài lòng người tiêu dùng Thủ đô.
Điểm mua sắm thực phẩm an toàn cho người dân Hà Nội
Đến hội chợ từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Hoa cùng chồng ở Mễ Trì, Hà Nội, chọn mua khá nhiều sản phẩm như miến khô, nấm hương, gạo nếp, trầm hương, chả cá, chả mực, các loại mứt… để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền.
Bà Hoa cho biết: “Gia đình tôi là khách quen của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp. Cứ có thông tin hội chợ là tôi lại cùng chồng đến thăm quan và mua sắm. Sản phẩm ở đây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên chúng tôi khá yên tâm”.
Không chỉ chinh phục nhiều khách hàng lớn tuổi, Hội chợ Xuân thường niên được còn thu hút khá nhiều khách hàng trẻ tuổi, những bà nội trợ kỹ tính đến để chọn mua thực phẩm cho cả gia đình.
Chị Hoàng Thu Loan ở Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết: “Mua hàng ở hội chợ tôi khá yên tâm về chất lượng sản phẩm. Hàng hóa cũng đa dạng nên chỉ cần đi một lần có thể mua đủ dùng cho cả gia đình trong dịp Tết mà không cần đi chợ nhiều lần. Năm nay hội chợ tổ chức vào ngày cuối tuần nên tôi đi mua sắm cũng thoải mái hơn, không phải đi tranh thủ trong giờ nghỉ trưa như mọi năm”.
Hội chợ Xuân Nhâm Dần năm 2022 có quy mô 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đến từ gần 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín được kiểm soát an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap. Bên cạnh đó, các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng nhận OCOP như: đặc sản Lạng Sơn (lợn quay, vịt quay); hải sản tươi sống và chế biến, chả mực Hạ Long; chả cá thác lác… giò me Nghệ An, trầm hương và nấm lim xanh Quảng Nam; sữa gạo lứt, nước mía, đường Lam Sơn; đông trùng hạ thảo, sâm Hàn Quốc, gạo nếp nương, bánh chưng Bờ Đậu, thịt đà điểu, thịt lợn rừng; rau củ quả an toàn Mộc Châu… và rất nhiều các loại nông đặc sản vùng miền khác.
Trong không gian Hội chợ, tại Điểm giới thiệu bán sản phẩm nông sản và thực phẩm an toàn Thái Nguyên có rất nhiều các sản phẩm như chè Thái Nguyên, bánh chưng Bờ Đậu… chị Nguyễn Hồng Vĩnh – Hợp tác xã Tâm Trà Thái chia sẻ, năm nay, do dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị sụt giảm. Chúng tôi kỳ vọng mang tận tay các sản phẩm của địa phương bảo đảm vệ sinh an toàn và có truy xuất nguồn gốc đến người tiêu dùng với mức giá cả ổn định.
“Năm nào cũng vậy, tham dự Hội chợ Xuân, các sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu và chè chúng tôi bán được rất nhiều. Mọi năm, chúng tôi bán khoảng 10.000 chiếc bánh chưng, đối với chè bán ngay tại Hội chợ vài tạ là bình thường, ngoài ra còn giao đi các đại lý tính theo tấn. Sản phẩm chè Tâm Trà Thái được đóng gói nhỏ 1 lạng hoặc theo từng lần pha để đáp ứng được người tiêu dùng”, chị Nguyễn Hồng Vĩnh cho hay.
14 năm tham gia Hội chợ Xuân tại khu hội chợ – triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, bà Dương Thị Huệ – Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm và nông sản sạch Sóc Sơn cho biết, chúng tôi mang đến các sản phẩm chủ lực phục vụ ngày Tết như chả cá thác lác thương hiệu Huệ Dương, chả mực, giò tai, giò bê…. Đặt tiêu chí hàng đầu là sạch, ngon, an toàn, các sản phẩm đều được kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm nay, thu nhập của người dân bị sụt giảm do tác động của dịch Covid-19, chúng tôi có giảm giá bán sản phẩm, chia sẻ lợi nhuận của mình với người tiêu dùng. Đánh giá cao các hội chợ xuân, bà Dương Thị Huệ cho hay, đây là cơ hội để kết nối giao thương đặc biệt cho các đơn vị vừa và nhỏ, sản phẩm của đơn vị được tung mạnh ra thị trường.
Tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội chợ Xuân Nhâm Dần, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, Hội chợ Xuân Nhâm Dần được tổ chức vào dịp gần Tết Nguyên đán nhằm giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; Giới thiệu, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa, ẩm thực truyền thống của Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội, công tác phòng chống dịch tại Hội chợ cũng được Ban tổ chức triển khai quyết liệt. Theo đó, người dân tham gia Hội chợ được khai báo y tế, đo thân nhiệt, quét mã QR, bảo đảm công tác phòng chống dịch chung.
Trong khuôn khổ của Hội chợ, có khu không gian quảng bá nông đặc sản tỉnh Hà Giang (check-in cùng nông sản Hà Giang, livestream bán hàng nông sản Hà Giang) và Điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và các hoạt động giao dịch tại khu gian hàng sẽ diễn ra trong suốt thời gian Hội chợ (từ ngày 22-29/1).
Hội chợ diễn ra từ ngày 22 đến 28/1 (tức ngày 20 đến 27 tháng Chạp) tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, giờ mở cửa hằng ngày từ 8 giờ 30 phút đến 21 giờ.
Đặc biệt, với diện tích 360m2 đất trống ngoài trời mở cửa từ ngày 17/1 sẽ là nơi trưng bày các loại hoa, cây cảnh góp phần dệt nên những màu sắc rực rỡ mang mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà như: Các loại cây bon sai, lan hồ điệp, địa lan, hoa lily, mai vàng, mai trắng, quất Tứ Liên… Khu gian hàng hoa, cây cảnh ngoài trời mở cửa từ 8 giờ 30 phút ngày 17/1.
Ý kiến ()