tle=”Nhiều công trình trọng điểm của Hà Nội đạt hiệu quả thấp”> Dù trời nắng, nhiều hầm chui dân sinh trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vẫn trong tình trạng ngập nước do hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện. – Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2011-2015. Trong đó, thành phố chủ trương dồn vốn cho các dự án hạ tầng giao thông và công trình dân sinh bức xúc nhằm cải thiện chất lượng sống cho người dân. Đây là quyết định đúng đắn, bởi một số công trình trọng điểm, được thành phố tập trung đầu tư trong thời gian qua, nhưng hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí lớn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiệu quả sử dụng các công trình trọng điểm không được như mong đợi, mặc dù chúng được quan tâm đầu tư lớn, gửi gắm nhiều kỳ vọng. Trước hết cần phải nói đến hiệu quả từ đầu tư. Khi quyết định xây dựng một công trình, vấn đề đặt ra là đầu tư đã trúng nhu cầu và đúng thời điểm chưa?
Cung Trí thức là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, với mục đích tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các tổ chức hội, hiệp hội đang thiếu trụ sở làm việc. Được xây dựng trên diện tích rộng 6.668 m2 gồm hai khối nhà 16 tầng và ba tầng, tổng diện tích gần 16 nghìn m2 sàn, bảo đảm chỗ làm việc cho 1.500 người, công trình khánh thành tháng 10-2010, được coi là món quà có ý nghĩa lớn của thành phố dành cho giới trí thức Thủ đô. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn hai năm đi vào hoạt động, phần lớn diện tích công trình vẫn đang trong tình trạng bỏ trống. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Thành phố đã chấp thuận bố trí cho 51 đơn vị, tổ chức thuê sử dụng diện tích làm việc tại Cung Trí thức. Tuy nhiên, 16 đơn vị đã xin trả lại diện tích thuê, do không có nhu cầu và không đủ kinh phí trả tiền thuê nhà. Hiện nay có 29 tổ chức, đơn vị đã ký hợp đồng thuê và sử dụng khoảng 4.880 m2, chỉ chiếm 30% diện tích. Điều này cho thấy việc đầu tư chưa được cân nhắc kỹ, cho nên hiệu quả sử dụng công trình thấp. Những đơn vị có nhu cầu sử dụng thì không đủ điều kiện tài chính, trong khi đó nhiều đơn vị không có nhu cầu do địa điểm không thuận lợi hoặc là đã có trụ sở làm việc.
Đối với Hà Nội, đầu tư xây dựng công trình giao thông luôn là nhu cầu bức thiết, đặc biệt là ở những khu vực cửa ngõ thành phố. Thế nhưng chất lượng xây dựng của một số dự án còn hạn chế. Đại lộ Thăng Long chỉ một thời gian ngắn sau khi khánh thành đã xuất hiện nhiều bất cập như: Mặt đường gồ ghề, không phủ lớp tạo nhám chống trơn; hầm chui dân sinh trời mưa ngập nước và bùn đất, trời nắng thì bụi bẩn mờ mịt; hệ thống biển chỉ dẫn giao thông lộn xộn, chồng chéo… Vì vậy mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phải ra quy định giảm tốc độ lưu thông tối đa trên tuyến đường này từ 100 km/giờ xuống còn 80 km/giờ nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện. Hiện nay, con đường đang tiếp tục xuống cấp. Mặt đường xuất hiện những vết nứt, nhiều khu vực đã được “vá víu” nên đại lộ trông “xuống sắc” nghiêm trọng. Tuyến đường còn thường xảy ra úng ngập cục bộ khi trời mưa do hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện. Nhiều cầu vượt chưa hoàn thành nên giao thông ở các đường gom lộn xộn do người dân đi ngược đường để khỏi đi vòng xa. Nhiều hố ga bị mất nắp gây mất an toàn giao thông. Tuyến đường tuy được gọi là tuyến cao tốc dài và hiện đại nhất Việt Nam, nhưng chất lượng chưa tương xứng.
Nơi kể chuyện mảnh đất ngàn năm văn hiến – Bảo tàng Hà Nội hẳn là có ý nghĩa lớn lao, xứng đáng là niềm tự hào của người dân Thủ đô. Hay tầm vóc một đô thị lớn như Hà Nội, có một nơi vui chơi giải trí quy mô, hiện đại như dự án Công viên Hòa Bình là nhu cầu tha thiết của đông đảo nhân dân thành phố. Ấy thế mà cả hai công trình dù đã khánh thành đều chưa xứng với ý nghĩa ấy. Công trình Bảo tàng Hà Nội sau hai năm khánh thành vẫn vắng bóng khách tới tham quan, vì mới chỉ có khoảng bốn nghìn hiện vật được trưng bày tạm thời. Hơn 60 nghìn hiện vật khác đang lưu kho do chưa có phương án trưng bày. Với chi phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, công trình chỉ có “vỏ” mà chưa có “ruột” đang gây lãng phí lớn. Chưa kể, công trình đã bắt đầu phải bảo dưỡng do xuất hiện những hư hỏng như giàn lạnh bị rò nước, thiết bị của hệ thống báo cháy và chữa cháy bị lỗi, trần thạch cao tại một số phòng bị nứt… Nếu thành phố không sớm hoàn thiện tổng thể nội dung trưng bày để rộng cửa đón khách, đồng thời vận hành nhịp nhàng hệ thống quản lý, bảo vệ công trình, bảo tồn hiện vật, thì công trình xuống cấp nhanh chóng sẽ là điều không tránh khỏi.
Công viên Hòa Bình thì được thiết kế, xây dựng quá thô sơ so với hình dung của nhiều người. Diện tích công viên rộng nhưng số lượng các hạng mục vui chơi, giải trí lại ít ỏi. Không gian nơi đây còn kém sức hút bởi thiếu vắng bóng cây xanh, mặt nước tạo sự trong lành, mát mẻ. Và trong khi chưa kịp hoàn thiện cảnh quan hoặc tiếp tục đầu tư về nội dung để tạo sự hấp dẫn thì công viên đã nhận được không ít “cái lắc đầu” của người dân bởi sự bao vây của những quán xá nhếch nhác, chèo kéo khách, “chặt chém” về giá cả, sự xâm lấn của các hành vi kém văn hóa, những tệ nạn xã hội. Công tác quản lý và khai thác sử dụng yếu kém cũng đang ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của công trình này…
Hiện trạng nói trên cho thấy rõ những kinh nghiệm cần rút ra trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác sử dụng của các công trình. Là những dự án trọng điểm, các công trình này đáng ra cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ quá trình đặt vấn đề đầu tư, lập dự án, xây dựng kế hoạch triển khai… sao cho bảo đảm tương xứng với quy mô đầu tư, đáp ứng nhu cầu và sự kỳ vọng của người dân. Mong rằng, quyết định mới đây của thành phố về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn; trong đó chủ trương dồn vốn cho các dự án giao thông cấp bách, công trình dân sinh bức xúc sẽ sớm đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn nền kinh tế Thủ đô và đất nước đang có nhiều khó khăn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()