Nhiều công trình thủy lợi ở Hải Dương bị xâm hại nghiêm trọng
Các ngôi nhà ở phố Phí, thôn Phí Xá, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng lấn chiếm toàn bộ bờ và một phần lòng kênh T-5. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cơ quan chức năng phát hiện gần 3.500 vụ xây dựng nhà ở, các công trình phụ trợ, lều quán, bãi chứa nguyên vật liệu, xả thải... xâm hại nghiêm trọng hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) với những diễn biến phức tạp, song đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.Biến kênh tưới, tiêu thành "phố"Giám đốc Xí nghiệp khai thác CTTL huyện Gia Lộc Phạm Văn Cao bày tỏ sự bức xúc: Tuyến kênh có chiều dài chừng 12 km từ xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) tới xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) là kênh dẫn phục vụ tưới tiêu cho 3.670 ha hoa màu nay trở thành "phố cầu" lớn nhất Việt Nam với gần 200 cây cầu lớn nhỏ được người dân xây dựng trái phép bắc ngang. Tuyến kênh Hồng Đức đoạn từ cầu Tràng Thưa (tiếp giáp xã Đoàn Thượng) đến Trạm Bóng (xã Quang Minh) dài khoảng ba km cũng có hàng chục cây cầu bắc ngang. Hiện,...
|
Biến kênh tưới, tiêu thành “phố”
Giám đốc Xí nghiệp khai thác CTTL huyện Gia Lộc Phạm Văn Cao bày tỏ sự bức xúc: Tuyến kênh có chiều dài chừng 12 km từ xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) tới xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) là kênh dẫn phục vụ tưới tiêu cho 3.670 ha hoa màu nay trở thành “phố cầu” lớn nhất Việt Nam với gần 200 cây cầu lớn nhỏ được người dân xây dựng trái phép bắc ngang. Tuyến kênh Hồng Đức đoạn từ cầu Tràng Thưa (tiếp giáp xã Đoàn Thượng) đến Trạm Bóng (xã Quang Minh) dài khoảng ba km cũng có hàng chục cây cầu bắc ngang. Hiện, Nhà nước đang có kế hoạch xây dựng trạm bơm tiêu tại xã Đoàn Thượng và kè mái kênh Thạch Khôi – Đoàn Thượng, song tình hình xây dựng cầu và các công trình lấn chiếm lòng kênh đang tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện dự án và hiệu quả khai thác hệ thống kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Được biết, phần lớn các công trình khi người dân tổ chức xây dựng trong phạm vi bảo vệ hệ thống CTTL thì Xí nghiệp khai thác CTTL Gia Lộc và chính quyền địa phương đều lập biên bản vi phạm và báo cáo cấp trên song do thiếu chế tài xử phạt cho nên người dân cứ “làm ngơ” và “phố cầu” ngày càng đông đúc. Việc ra thông báo vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, rồi ra quyết định cưỡng chế… đối với các hộ dân vi phạm hầu như không có tác dụng. Số lượng biên bản làm việc với các hộ xây dựng cầu trái phép từ trước tới nay ở Gia Lộc có tới hàng nghìn. Chỉ tính riêng việc xây cầu trái phép bắc ngang kênh Thạch Khôi – Đoàn Thượng của hộ ông Phạm Văn Tuân (xã Đoàn Thượng), các cấp, các ngành liên quan đã ra gần 20 lượt văn bản xử lý, kể cả ra quyết định cưỡng chế nhưng không hiệu quả. Không chỉ xây dựng cầu trái phép, nhiều hộ dân còn xây nhà, công trình phụ, bãi chứa vật liệu xây dựng, quán bán hàng lấn chiếm bờ kênh, khiến việc nạo vét lòng kênh hết sức khó khăn, thậm chí nhiều đoạn không thể nạo vét, do vậy bùn rác bồi lắng lòng kênh dày thêm mỗi năm từ 10 đến 15 cm.
Không riêng gì Gia Lộc, tình trạng xây cầu hộp, xây nhà quán trên lòng kênh đã và đang diễn ra trên một số tuyến kênh ở huyện Cẩm Giàng. Kênh T-5 dài chừng năm km từ thôn Phí Xá, xã Cẩm Hoàng tới thị trấn Cẩm Giàng (vừa được Nhà nước đầu tư khoảng 20 tỷ đồng lát kè) bị hàng chục hộ dân lấn chiếm một phần lòng kênh dài hơn 200 m xây dựng nhà ở kiên cố cao tầng. Việc lấn chiếm lòng kênh ở thôn Phí Xá là do trước kia chính quyền xã cho một số hộ dân “mượn” đất bờ kênh (mỗi hộ khoảng 15 m2) làm lều quán để kinh doanh dịch vụ ven đường 5B. Sau đó các hộ lấn dần từ xây dựng ki-ốt đến xây nhà kiên cố rồi nhà cao tầng. Do chật hẹp, các hộ đã mở mang diện tích đất “mượn” bằng cách xây nhà lấn chiếm lòng kênh cả trên không và dưới nước, dẫn tới hình thành cả một dãy phố kiên cố cao tầng nhô hẳn ra lòng kênh T-5. Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng Nguyễn Danh Đàm cho biết: Ngay từ năm 1995, tất cả các hộ xây dựng ki-ốt trái phép ở phố Phí đều được UBND xã, Xí nghiệp khai thác CTTL huyện Cẩm Giàng lập biên bản vi phạm và báo cáo cấp trên. Mới đây đã lập biên bản hơn mười hộ xây nhà trái phép báo cáo UBND huyện, nhưng UBND huyện Cẩm Giàng chỉ mới có văn bản “nhắc nhở”.
Tại đoạn đầu kênh T-3B thuộc địa phận xã Cẩm Vũ cũng đang hình thành một “phố cầu” hàng chục hộ dân đã và đang xây dựng các cầu trái phép, nhất là xây dựng các cầu hộp kiên cố có bề rộng chừng bốn mét để xây dựng nhà ở, quán bán hàng ngay trên lòng kênh. Đoạn kênh nơi đây đang cho thấy nguy cơ biến thành đoạn cống ngầm bởi không còn không gian mặt nước. Về vấn đề này Giám đốc Xí nghiệp khai thác CTTL Cẩm Giàng Lê Văn Trọng cho biết: Xí nghiệp cùng chính quyền xã Cẩm Vũ đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản vi phạm, yêu cầu các hộ ngừng thi công, tự giác tháo dỡ công trình… nhưng không đạt kết quả.
Ngăn chặn bằng cách nào ?
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương Trần Duy Trinh cho biết: Hành lang bảo vệ CTTL đang bị xâm hại và diễn ra hết sức phức tạp ở phần lớn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với gần 3.500 trường hợp vi phạm. Đặc biệt nghiêm trọng là có gần một nghìn trường hợp xây nhà, quán bán hàng và làm gần 600 cây cầu bê-tông xâm phạm các công trình thủy lợi. Việc xây dựng, lấn chiếm lòng kênh, xâm phạm các công trình thủy lợi đã làm thu hẹp mặt cắt, cản trở dòng chảy, gây khó khăn lớn cho công tác quản lý của các xí nghiệp khai thác CTTL mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương, vớt rong bèo. Đồng thời, lòng kênh tại các khu vực “phố cầu”, phố Phí cũng dần biến thành nơi đổ rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình với đủ loại túi ni-lông, bao xác rắn, chai lọ, sợi tổng hợp, rơm rạ… gây ô nhiễm môi trường và làm tắc dòng chảy. Việc bơm tưới ở nhiều trạm bơm hiện nay rất khó khăn do dòng chảy bị ách tắc, không đủ nước cấp cho các trạm bơm tưới, phải xử lý bằng cách đóng máy chờ, hoặc bơm cấp nguồn vừa tốn kém, không bảo đảm thời vụ sản xuất, vừa ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng xâm hại các CTTL, ngày 5-7-2011 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và những đơn vị liên quan “Về việc tăng cường thực hiện kiểm tra , xử lý vi phạm CTTL trên địa bàn tỉnh”. Tuy nhiên, đến nay, tình hình xâm phạm hành lang bảo vệ các CTTL vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi và chưa có dấu hiệu được ngăn chặn kịp thời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()