Nhiều cơ hội và thách thức với thị trường bán lẻ
Với thị trường hơn 90 triệu dân, lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng nhanh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là lĩnh vực đầy tiềm năng để phát triển.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ, chỉ chủ yếu phân phối hàng theo từng đợt. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.
Vẫn còn nhiều tiềm năng trong phát triển thị trường bán lẻ ở nước ta |
Theo Quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, tức là cần thêm 550 siêu thị so với hiện tại, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2015 và cả những năm tiếp theo, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và chứng kiến những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Năm 2015 cũng sẽ là một năm đầy cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Kể từ ngày 11/1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Chưa kể tới việc Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP với 12 nước tham gia sẽ có thể được ký kết trong năm 2015. Với hiệp định này hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Việc này sẽ gây nhiều khó khăn bất lợi cho hàng hóa trong nước nhưng cũng là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()