Nhiều cơ hội đi lao động tại nước ngoài trong năm mới
Công tác xuất khẩu lao động trong năm 2017 được nhận định là sẽ có nhiều khởi sắc. Cùng với việc giữ vững các thị trường truyền thống, nhiều thị trường lao động mới sẽ được triển khai,vì vậy thêm nhiều người sẽ có cơ hội đi lao động tại nước ngoài.
Năm thứ 3 liên tiếp thắng lợi lớn
Năm 2016, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 đã được ngành LĐ-TB&XH hoàn thành. Đặc biệt, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành là về xuất khẩu lao động. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, trong năm 2016, đã có 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (46.029 lao động nữ; chiếm 36,45%); vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015 và là con số cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Với quan điểm giữ vững thị trường truyền thống, năm qua, các thị trường trọng điểm truyền thống tăng trưởng khá tốt, đáng chú ý là thị trường Hàn Quốc đã mở cửa trở lại, mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Cụ thể là tháng 5/2016, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU). Bản MOU được ký lại sau gần 4 năm bị gián đoạn, mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều người lao động Việt Nam. Trong năm 2016, 8.482 lao động đã được đưa sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; tổ chức 2 kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo, 1.300 lao động ngành ngư nghiệp và giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn trong nửa đầu năm 2017.
Một thị trường truyền thống khác là Nhật Bản trong năm qua cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may. Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh. Trong năm qua, 37.000 người lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Nhật Bản, chiếm tỉ lệ 31% tổng số lao động đưa đi xuất khẩu trong năm 2016 và đứng đầu trong số các nước đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản.
Mặt khác, số lượng lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở một số thị trường khác cũng đều tăng so với năm 2015, cụ thể: Đài Loan 68.244 người (chiếm 54,03% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường), Malaysia 2.079, Ả-rập Xê-út 4.033 lao động, An-giê-ri 1.179 người, Ca-ta 702 lao động…
Mở cửa nhiều thị trường mới
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, năm 2017, kế hoạch được đặt ra là đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đặc biệt, nhiều thị trường mới như Thái Lan, Australia… sẽ được triển khai sau khi các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động được ký kết. Đáng chú ý, thị trường Đức, Nhật Bản cũng tiếp tục nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc theo các chương trình đã ký kết. Cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua một Luật mới tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Theo đó, việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng là điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tại Nhật Bản cao và nhu cầu đối với nghề này đang là rất lớn.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại Đức.
Trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 là đặt lên hàng đầu công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Trước hết, các doanh nghiệp phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi. Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc, sẽ có các ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có ban quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng lao động cũng được xác định là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đối tượng chính sách xã hội.
Ngoài ra, theo ông Phạm Viết Hương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác là tiếp tục giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Ông Phạm Viết Hương nhấn mạnh: “Cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 đang là rất lớn, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao. Nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước là rất lớn, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng”./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()