Nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những bất cập
Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (Quy định 65) thay thế Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị (Quy định 98) được xem là bước chuyển rất quan trọng, tạo cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ các cấp cho Đảng.
Thực hiện Quy định 98 của Bộ Chính trị, tháng 5-2019, đồng chí Đặng Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh được Tỉnh ủy Hà Tĩnh điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Thị ủy Kỳ Anh nhiệm kỳ 2015-2020. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Kỳ Anh khóa II, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí tiếp tục được tín nhiệm tái cử chức vụ Bí thư Thị ủy Kỳ Anh.
Đến nay, sau hơn 3 năm trên cương vị mới, đồng chí Đặng Văn Thành cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Kỳ Anh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gỡ những “nút thắt” cản trở sự phát triển kinh tế của địa phương, trong đó tập trung lãnh đạo vào hai nội dung trọng tâm: Tạo chuyển biến, nâng chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ và công tác cán bộ, đảng viên; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; cải thiện môi trường và thu hút đầu tư kinh doanh trên địa bàn…
Với hai trọng tâm nêu trên, đến nay, thị xã Kỳ Anh đã có bước phát triển vượt bậc: Tổng thu ngân sách tính đến ngày 23-6-2022 là hơn 220 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch tỉnh giao, 68% kế hoạch thị xã giao và bằng 180% so với cùng kỳ năm trước; các phường đã hoàn thành các tiêu chí đô thị văn minh đạt gần 50% so với kế hoạch, thực hiện xây dựng tuyến đường văn minh đô thị đạt hơn 70% khối lượng; các xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đạt gần 50% so với kế hoạch… Đồng chí Đặng Văn Thành chia sẻ: “Những chuyển biến tích cực, khởi sắc ở thị xã Kỳ Anh hôm nay là thành quả từ sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Cá nhân tôi nói riêng và đội ngũ cán bộ các cấp trong toàn thị xã nói chung vinh dự khi được nhân dân ủng hộ. Chúng tôi luôn ý thức phải tiếp tục rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn công tác để xứng đáng với niềm tin yêu, ủng hộ của nhân dân”.
Nhân dân sinh hoạt tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn Chu Trinh, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ảnh: PHAN LỘC |
Từ tháng 10-2017 đến 12-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thực hiện luân chuyển 23 cán bộ từ các ban, sở, ngành cấp tỉnh về các huyện, thành phố, thị xã; 15 cán bộ từ các huyện, thành phố, thị xã về công tác tại các ban, sở, ngành; 3 cán bộ luân chuyển giữa các địa phương; 10 cán bộ luân chuyển giữa các sở, ngành. Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã thực hiện luân chuyển 99 cán bộ từ các ban, phòng cấp huyện về các xã, phường, thị trấn; 60 cán bộ từ các xã, phường, thị trấn về công tác tại các ban, phòng cấp huyện; 3 cán bộ luân chuyển từ xã này sang xã khác. Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh đánh giá: “Qua luân chuyển cán bộ, nhiều đồng chí đã có bước trưởng thành về chuyên môn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Việc luân chuyển cán bộ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo nguồn cán bộ và bảo đảm linh hoạt, đồng bộ trong công tác cán bộ”.
Gần 5 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành luân chuyển 894 lượt cán bộ, trong đó có 55 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 839 đồng chí thuộc diện ban thường vụ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc quản lý. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng: “Qua công tác luân chuyển cán bộ, tỉnh Thanh Hóa nhận thấy số lượng và chất lượng cán bộ luân chuyển được nâng lên. Cán bộ luân chuyển đã có bước trưởng thành và tạo được những chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng khép kín, hẫng hụt, bị động trong công tác cán bộ. Đại đa số cán bộ luân chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và trưởng thành về mọi mặt”.
Những thực tiễn sinh động từ Hà Tĩnh và Thanh Hóa là minh chứng cho tính hiệu quả trong công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua. Thông tin từ Ban Tổ chức Trung ương: Qua gần 5 năm thực hiện Quy định 98, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã luân chuyển 13.503 lượt cán bộ các cấp. Luân chuyển cán bộ đã được các cấp lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, công khai, công tâm, minh bạch; đồng thời chủ động chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp kế cận cũng như lâu dài.
Thường xuyên giám sát, theo dõi, giúp đỡ
Qua 5 năm thực hiện Quy định 98 của Bộ Chính trị, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần khắc phục, như: Công tác luân chuyển cán bộ ở một số nơi chưa tạo được sự chủ động trong việc đưa cán bộ đi luân chuyển do phải chờ các địa phương khuyết chức danh; việc xử lý hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, một số cán bộ luân chuyển chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, chưa nắm chắc các quy định, quy chế, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc. Có không ít cán bộ còn nhận thức đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn, vì vậy có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, giữ mình “chờ ngày về”.
Để khắc phục những bất cập trong công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua, so với Quy định 98 thì Quy định 65 có nhiều điểm mới, cụ thể, chi tiết hơn. Quy định 65 nêu rõ nguyên tắc: “Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển”; “Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định”.
Về cán bộ luân chuyển thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, Quy định 65 cũng quy định rõ, gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành: Công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện. Quy định 65 quy định rất chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, trách nhiệm của cơ quan đưa đi, trách nhiệm nơi sử dụng cán bộ, thậm chí ngay bản thân cán bộ luân chuyển cũng phải chịu sự quản lý của cấp ủy có thẩm quyền, trong đó nêu ra quy trình 5 bước, rất rõ ràng về trách nhiệm… Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Chủ trương chung của Đảng là đưa cán bộ đi luân chuyển để tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu. Tại Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện nghiêm Quy định 65 là chưa đủ, quan trọng là phải nâng cao chất lượng công tác luân chuyển. Thường xuyên giám sát cán bộ luân chuyển, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ. Dứt khoát phải nâng cao nhận thức của cán bộ luân chuyển. Cán bộ luân chuyển không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn.
Ý kiến ()