Nhiều chuyển biến căn bản, đồng bộ
>>> Giám định bảo hiểm y tế: Sau 5 năm đi vào cuộc sống
LSO-Luật BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Sau 5 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tạo nên những thay đổi quan trọng không chỉ về cơ chế, chính sách tài chính mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân.
Khám sức khỏe cho công nhân Công ty TNHH Bảo Long – Ảnh: HOÀNG VƯƠNG |
Để Luật BHYT nhanh chóng đi vào cuộc sống, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin của tỉnh như Báo Lạng Sơn, Đài PT-TH tỉnh và các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Luật BHYT trong các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền đã được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó tập trung vào các đợt tuyên truyền cao điểm nhân ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của ngành. Trong 5 năm, BHXH tỉnh đã phát hành gần 450.000 tờ rơi, tờ gấp, áp phích, gần 70.000 số báo, tạp chí BHXH, 100 băng đĩa, xây dựng 4 cụm pano và trên 150 khẩu hiệu trên đường phố. Phối hợp với cộng tác viên viết trên 620 tin bài, xây dựng hơn 20 phóng sự truyền hình phục vụ công tác tuyên truyền chính sách BHYT, tổ chức gần 3.000 buổi tuyên truyền trực tiếp cho trên 40.000 lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề: vai trò của BHYT trong phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; lợi ích của BHYT với người dân; cách tham gia BHYT thông qua các đại lý bảo hiểm hoặc cơ quan bảo hiểm… Qua việc tuyên truyền, các cấp, các ngành, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức về chính sách BHYT.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc tổ chức cung ứng dịch vụ KCB được tăng cường. Hằng năm, phía bảo hiểm đã ký hợp đồng KCB BHYT trực tiếp với 20 cơ sở KCB. Đồng thời, tại trung tâm y tế các huyện, thành phố cũng đã triển khai KCB BHYT đến tất cả 226 xã, 23 phòng khám đa khoa khu vực. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẻ BHYT được tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, các bệnh viện, trung tâm… đã thực hiện việc khám và điều trị bằng các thiết bị xã hội hóa không phân biệt người có thẻ và không có thẻ BHYT. Điều này không chỉ giúp đỡ người bệnh được sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, mà còn tạo được lòng tin, góp phần thu hút thêm nhiều người dân tích cực tham gia BHYT. 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức KCB cho 4 triệu lượt người, với chi phí khám chữa bệnh trên 645 tỷ đồng, chi phí năm sau luôn cao hơn năm trước. Bác sĩ Đoàn Thế Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa cho biết, việc quy định cho phép các cơ sở KCB ngoài công lập đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật được đăng ký hợp đồng KCB ban đầu và mở rộng đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện, xã, duy trì quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật đã góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu phù hợp và tiếp cận các dịch vụ y tế, trong đó có việc được sử dụng các thiết bị xã hội hóa trong KCB BHYT. Điều này vừa đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT, vừa nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh có thẻ BHYT.
Qua 5 năm thực hiện Luật BHYT, công tác phát triển đối tượng để tăng thu BHYT được chú trọng. Theo đó, ngành BHXH đã tham mưu cho UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT; tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các ngành của tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc củng cố và hướng dẫn kịp thời cho các đại lý thu BHXH tự nguyện, thành lập các tổ khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHYT của BHXH tỉnh, huyện… Nhờ đó, đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2009 có khoảng 50% dân số tham gia BHYT thì đến hết năm 2013 số người tham gia BHYT đã chiếm gần 90%. Lạng Sơn trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT nhiều nhất trong cả nước. Cùng với số người tham gia BHYT tăng lên nhanh chóng, mức đóng BHYT tăng, chính sách tiền lương tối thiểu thay đổi… thì số thu BHYT cũng tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Qua 5 năm thực hiện, chỉ tính đến hết năm 2013, số thu BHYT tăng hơn 4,5 lần so với năm 2009.
Kê đơn, phát thuốc chữa bệnh cho người nghèo ở Trạm y tế xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn – Ảnh: BT |
Bên cạnh những kết quả đáng mừng từ khi Lạng Sơn thực hiện Luật BHYT, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong công tác này. Bà Nông Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, công tác tuyên truyền chưa nhận được sự tham gia mạnh mẽ, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; năng lực, trình độ chuyên môn của y, bác sĩ tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu… Để khắc phục những khó khăn trên, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực phấn đấu của ngành BHXH và các ngành liên quan, BHYT thực sự đi sâu vào cuộc sống, là cứu cánh cho người dân tham gia BHYT.
THANH HÒA
Ý kiến ()