Nhiều cây thuốc có thể thay thế mật gấu
Một cuốn sách nói về những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu vừa được phát hành, nhằm khuyến khích việc bảo tồn các loài gấu Việt Nam, chấm dứt tình trạng mua bán sử dụng mật gấu.
Cỏ mật gấu có tác dụng tán huyết ứ, thanh nhiệt và lợi tiểu. Ảnh: Tổ chức động vật châu Á. |
Sách “Những cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” do Tổ chức động vật châu Á phối hợp cùng Trung ương hội đông y Việt Nam phát hành. Cuốn sách là thông điệp mạnh mẽ kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức hãy hành xử một cách nhân văn, hãy nói không với mật gấu, chấm dứt tình trạng nuôi gấu lấy mật và hành động để bảo vệ các loài gấu Việt Nam.
Cuốn sách giới thiệu cụ thể 32 cây thuốc, vị thuốc là những dược liệu sẵn có trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam như cây quế, cây mật gấu… Hầu hết các cây thuốc đã xác định được tính vị, tác dụng, công dụng và liều dùng, cách dùng chữa bệnh.
Hiện trạng nuôi nhốt gấu vì mục đích khai thác, trích hút, buôn bán mật đã được pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, nhưng vấn nạn này vẫn diễn ra trên nhiều vùng của cả nước. Nạn nhân trực tiếp chính là hai loài gấu quý hiếm của Việt Nam, gấu chó và gấu ngựa.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật đang là một trong những mối đe dọa lớn và trực tiếp đối với sự tồn vong của gấu trong tự nhiên, khiến chúng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn.
Thực tế, trong quá trình trích hút mật gấu ở các cá thể gấu bị nuôi nhốt, việc thực hiện trái phép thường không đảm bảo vô trùng, và mật gấu này thường ẩn chứa một lượng vi khuẩn cao, vì thế người sử dụng mật gấu tươi vô tình sẽ uống luôn cả chất độc.
Dược sỹ Phạm Hinh, Phó chủ tịch Trung ương hội đông y Việt Nam cho biết, giới bác sỹ Việt Nam cho rằng mật gấu có thể dẫn đến chứng bất lực của nam giới, chứ không phải làm tăng cường sinh lý, giúp “khỏe như gấu” như nhiều người lầm tưởng.
“Lợi nhuận do ngành kinh doanh mật gấu đem lại, đã đẩy loài gấu đến nguy cơ tuyệt chủng. Việc ra đời cuốn sách là việc làm thiết thực để bảo vệ loài gấu, bảo tồn loài động vật hoang dã, quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng”, ông Hinh nói.
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, trưởng Đại diện Tổ chức động vật châu Á tại Việt Nam cho biết: “Các nghiên cứu và khảo sát mà tổ chức và Trung ương hội đông y Việt Nam thực hiện khẳng định, các thầy thuốc đông y đã và đang dần loại bỏ việc sử dụng mật gấu để chữa bệnh. Việc sử dụng mật gấu và nạn nuôi gấu lấy mật đã sẵn sàng để bị đưa vào quá khứ”.
Ý kiến ()