Nhiều cây bút kỳ cựu dự Trại sáng tác văn học về chiến tranh cách mạng và người lính
Sau một năm không tổ chức do dịch Covid-19, Trại sáng tác văn học đề tài “Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang” vừa được khai mạc tại thành phố Cần Thơ.
Lễ khai mạc trại sáng tác. |
Trại sáng tác do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn hóa-nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng Nhà xuất bản Quân đội tổ chức trong hai tuần và sẽ kết thúc vào ngày 20/9.
Đây là trại sáng tác văn học về đề tài “Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang” quy tụ nhiều thế hệ nhà văn trong và ngoài quân đội, cựu chiến binh và những cây bút trẻ tham gia.
Trại được tổ chức hằng năm tại các nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cả nước ở Đại Lải (Vĩnh Phúc), Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) và thành phố Cần Thơ
Trại sáng tác năm nay được tổ chức tại miền sông nước Cần Thơ, bên bờ sông Hậu với sự tham dự của 15 nhà văn được mời tham gia, trong đó có những tên tuổi văn học là những nhà văn cầm bút từ những cuộc kháng chiến của đất nước: Hà Đình Cẩn ( Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật), Trần Văn Tuấn (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật), Cao Duy Sơn, Hoàng Dự, An Bình Minh, Châu La Việt (Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2009-2014)…
Nhiều nhà văn trong số này đều là những cựu chiến binh, từng trải qua những năm tháng chiến tranh và có nhiều tâm huyết với đề tài chiến tranh, người lính, bởi đó chính là cuộc đời, là tình yêu của họ. Gần như suốt cuộc đời, họ chỉ viết về người lính và đồng đội. Đến nay, các anh đều đã hơn 70 tuổi, nhưng sức viết của các anh vẫn rất mạnh mẽ, nhất là khi được kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng, thể hiện tình yêu văn học và tình cảm gắn bó với quân đội vẫn rất nồng nàn.
Dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ lực lượng vũ trang bao năm nay vẫn không ngừng tuôn chảy trong mạch nguồn văn học của chúng ta với nhiều tác phẩm xuất sắc. Sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính vẫn luôn nhận được sự hưởng ứng tham gia của nhiều thế hệ các nhà văn trong và ngoài quân đội.
Cùng với thế hệ các nhà văn cựu chiến binh một thời đạn lửa, có một lực lượng cây bút trẻ hơn tham gia trại viết cũng rất đáng khích lệ, có người vẫn mặc áo lính, là sĩ quan quân đội như Nguyễn Thanh Tú, cây bút tên tuổi của tạp chí Văn nghệ quân đội, hay các cây bút gắn bó với miền sông nước Cửu Long: Nguyễn Trung Nguyên, Lê Minh Nhựt, Đào Ngọc Vinh, Trương chí Hùng, Hoàng Quý, hai cây bút nữ: Quỳnh Vân và Vương Thị Thu Thủy.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng (nhà văn Xuân Hùng) – đồng thời cũng là trưởng trại sách tác và Đại tá Phạm Xuân Trường, tân giám đốc Nhà xuất bản Quân đội trực tiếp chỉ đạo trại viết.
Ngay sau khi trại sáng tác khai mạc, để thể hiện tình cảm và động viên các nhà văn viết về lực lượng vũ trang cách mạng và người lính có những sáng tác chất lượng, cựu chiến binh 94 tuổi là Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên là Cục trưởng Cục kỹ thuật Quân khu 7, một bạn đọc yêu văn chương tại thành phố Hồ Chí Minh, đã gửi tặng các thành viên trại sáng tác 20 triệu đồng để động viên các nhà văn viết về quân đội. Món quà này do con gái ông là chị Lê Ngọc Hiếu chuyển đến tận Trại viết và được các nhà văn đón nhận rất xúc động.
Trong hai tuần tham gia trại sáng tác, các nhà văn sẽ có điều kiện hoàn thiện những tác phẩm ấp ủ sáng tác trong năm qua cùng các tác phẩm mới được thực hiện trong thời gian dự trại. Theo đánh giá của lãnh đạo Nhà xuất bản Quân đội, những tác phẩm có chất lượng về chiến tranh cách mạng và người lính sẽ được chọn để xuất bản thời gian tới.
Ý kiến ()