Nhiều cách quản lý vốn
LSO-Để nâng cao chất lượng tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh luôn thực hiện tốt các biện pháp quản lý nợ, đem lại hiệu quả sử dụng vốn cao trong phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức hoạt động giao dịch tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc |
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho vay vốn chủ yếu thông qua uỷ thác các tổ chức hội, đoàn thể. Hằng năm, dư nợ uỷ thác qua các tổ chức hội luôn chiếm trên 99,8% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Trong thực hiện quản lý vốn uỷ thác, một số tổ chức hội cấp huyện, xã, tổ tiết kiệm có dư nợ còn thấp, nợ quá hạn cao, việc theo dõi vốn chưa chặt chẽ… Vì vậy, chi nhánh đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, củng cố kiện toàn các tổ tiết kiệm và phân tích nợ để nâng cao hiệu quả quản lý vốn.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra kiểm toán nội bộ, kiểm tra chuyên đề về nghiệp vụ và tham mưu xây dựng, thực hiện chương trình kiểm tra của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.
Đồng thời, chi nhánh chỉ đạo các phòng giao dịch huyện tham mưu, thực hiện chương trình kiểm tra giám sát hoạt động cấp huyện, chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, chi nhánh tỉnh đã kiểm tra, giám sát xong tại 4 tổ chức hội cấp tỉnh, có biện pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn tại các huyện có nợ quá hạn cao, chưa cập nhật theo dõi tốt số liệu huy động tiết kiệm… Bên cạnh đó, 100% tổ chức hội, các phòng giao dịch huyện cũng đang tự kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ, chứng từ có liên quan đến vốn, kiểm tra các tổ tiết kiệm và vay vốn để qua đó chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong quản lý vốn.
Để tăng cường quản lý vốn, từ năm 2015 đến nay, toàn chi nhánh tỉnh đã thực hiện phân tích nợ của hầu hết khách hàng, đối chiếu tiền gửi của các tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc đối chiếu nợ từng khách hàng vay vốn và phân tích các khoản nợ cụ thể tại các tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đảm bảo các khoản vay đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Đồng thời, qua phân tích nợ nắm rõ tình hình sử dụng vốn, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ đến hạn, hộ sử dụng vốn chưa đúng mục đích…
Với các tổ tiết kiệm và vay vốn là tổ chức quản lý vốn ở cơ sở gần với khách hàng nhất, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh luôn chú trọng củng cố, kiện toàn. Nếu như nhiều năm trước, chỉ thực hiện kiện toàn theo quý, năm, thì 2 năm nay, chi nhánh nghiêm túc thực hiện rà soát, đánh giá chất lượng, kiện toàn theo tháng. Theo đó, các tổ có biểu hiện hoạt động trung bình, yếu như: nợ quá hạn phát sinh lớn, không tham gia giao dịch đầy đủ… sẽ được tập huấn, củng cố kiện toàn ngay. Từ đầu năm 2016 đến nay, số tổ hoạt động khá, tốt luôn chiếm trên 97% tổng số 2.611 tổ tiết kiệm và vay vốn toàn tỉnh.
Từ thực hiện tốt các biện pháp trên, việc quản lý vốn của ngân hàng và các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn được chặt chẽ hơn. Qua kiểm tra, giám sát và đối chiếu nợ, trên địa bàn tỉnh không có vốn bị xâm tiêu, chiếm dụng. Các khách hàng có ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn, nợ quá hạn giảm, chất lượng tín dụng nâng lên. Hiện dư nợ quá hạn toàn chi nhánh chỉ chiếm 0,17% trên tổng dư nợ 2.169,8 tỷ đồng, giảm 0,01% so với năm 2015.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()