Nhiều cách làm giúp thanh niên khởi nghiệp
LSO- Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là mục tiêu đột phá mà Tỉnh đoàn đăng ký thực hiện trong năm 2018. Triển khai nhiệm vụ này, các cấp bộ đoàn đã có nhiều cách làm giúp thanh niên khởi nghiệp.
Từ sản xuất nhỏ, sau 3 năm, mô hình sản xuất kinh doanh rượu men lá và tinh bột nghệ của anh Hoàng Trọng Nghĩa, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã thành một xưởng sản xuất với 4 công nhân thường xuyên làm việc. Lợi nhuận bình quân mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Để tạo điều kiện cho mô hình của anh Nghĩa được mở rộng, Tỉnh đoàn đã tạo điều kiện cho anh vay 150 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ việc làm của Trung ương Đoàn. Nhờ số tiền này, anh có thêm vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị mở rộng sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Mô hình của anh Nghĩa là một trong 47 mô hình nằm trong chương trình “Vườn ươm khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn tổ chức triển khai. Chị Phạm Thị Huyền, Trưởng Ban Phong trào và Công tác hội, Tỉnh đoàn cho biết: Hiện nay, đoàn thanh niên cấp tỉnh, cấp huyện đang hỗ trợ phát triển 13 dự án, 47 mô hình mở rộng sản xuất. Cấp xã đang giúp 200 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn thanh niên đang ấp ủ các ý tưởng khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp… Những ý tưởng chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Khó khăn mà họ phải đối mặt là chưa có kinh nghiệm, thiếu các kỹ năng, đặc biệt là thiếu vốn. Một số chính sách cho vay đã được nới lỏng như: giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi là điều kiện thuận lợi để thanh niên tiếp cận. Tuy nhiên, đa số lại chưa có tài sản riêng nên việc tiếp cận còn hạn chế. Chính vì vậy, Tỉnh đoàn đã xây dựng các chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Thanh niên xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng phát triển kinh tế từ mô hình trồng, chăm sóc đào thế
Để thanh niên trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng chuyên mục tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên trang thông tin Tỉnh đoàn. Cùng đó, mở chuyên mục “khởi nghiệp” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Tại đây, các chế độ chính sách về khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn từ các kênh thông tin của Đảng, Nhà nước, của Đoàn, các mô hình tiêu biểu thường xuyên được đăng tải, phổ biến cho thanh niên. Đồng thời, Tỉnh đoàn chủ động mời các giáo sư, giảng viên có kinh nghiệm tập huấn, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… cho thanh niên trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 5 lớp với 1.500 thanh niên tham gia.
Bên cạnh thông tin về chế độ chính sách, trong tháng 4/2018, Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ và một số doanh nghiệp thành lập Câu lạc bộ (CLB) Đầu tư khởi nghiệp Lạng Sơn. Thành viên CLB là những người đã trải qua quá trình khởi nghiệp, đang trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công ty. Đây chính là kho kinh nghiệm quý báu để thanh niên học tập. Các thành viên CLB sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng cần thiết khi khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên.
Giải bài toán về vốn cho thanh niên khởi nghiệp, CLB Đầu tư và khởi nghiệp Lạng Sơn đã thành lập quỹ khởi nghiệp với số tiền bước đầu là 200 triệu đồng. Trong thời gian tới, các ý tưởng hay, có tính ứng dụng trong thực tiễn ngoài nhận được sự đầu tư từ nguồn quỹ này sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp hỗ trợ mở rộng sản xuất. Ngoài quỹ này, Tỉnh đoàn tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn với số tiền vay lên đến 1 tỷ đồng mỗi mô hình. Thêm vào đó, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nguồn giúp thanh niên giải quyết khó khăn về vốn.
Khởi nghiệp là quá trình dài bên cạnh thành công thì có cả những thất bại. Tuy nhiên có sự đồng hành từ những người đi trước, từ tổ chức đoàn thì rủi ro được lường trước và khắc phục. Tin rằng, những nỗ lực của tổ chức đoàn toàn tỉnh sẽ giúp nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()