Nhiều bộ sách giáo khoa: Ai sẽ được quyền chọn?
Trong dự thảo của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) soạn thảo, lần đầu tiên chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) được dự định đưa vào thực thi. Bộ GD&ĐT đã đưa ra hai phương án: Phương án 1- Bộ chủ trì xây dựng và thẩm định chương trình; chủ động biên soạn một bộ SGK đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Phương án 2- Bộ chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK.
Nhiều đại biểu, chuyên gia giáo dục tại hội nghị tham vấn chuyên gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) tổ chức tại Hà Nội hôm 28-8 đã có ý kiến đóng góp cho chủ trương này.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhất trí với chủ trương này nhưng có thêm khuyến nghị là rất cần bộ SGK cho khu vực nông thôn với một định hướng rõ ràng là khuyến khích các em theo đuổi và phát triển nghề nông, nuôi khát vọng đổi mới nông thôn, tự tin lập nghiệp và có cuộc sống ấm no hạnh phúc trên mảnh đất quê hương. TS Tiến đề nghị bổ sung nội dung “khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK khác, nhất là SGK cho khu vực nông thôn”.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng để có sự chuyển biến ngay một cách mãnh mẽ và lâu dài nên giao việc biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông cho các Hội khoa học chuyên ngành (Toán, Lý, Hóa, Sinh Văn, Sử, Địa…) “Các hội này sẽ liên kết với những thày cô giáo giỏi ở bậc phổ thông để sớm làm ra những chương trình đáp ứng đủ bốn tiêu chí: Hội nhập quốc tế; Chính xác nhưng phù hợp với hoàn cảnh đất nước; Phù hợp trình độ dạy và học của thày và trò, phù hợp với số giờ thực học; Có thể sử dụng ổn định lâu dài trong nhiều năm”.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc huy động nhiều lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ SGK sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách có lợi cho người học và người dạy. Tuy nhiên, theo ông, khó khăn đầu tiên sẽ là khó hạn chế những sai sót, nhất là trong SGK các môn học Ngữ văn, lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Ông cung cấp thông tin, ở Hàn Quốc, tư nhân không được biên soạn SGK tiểu học và SGK những môn học này.
Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng nghi ngại về cơ chế lựa chọn, sử dụng SGK. “Nhất là trong tình hình quyết định của những người có thẩm quyền dễ bị chi phối vì lợi ích nhóm”, ông nói, “Cần có giải pháp để lựa chọn được những bộ sách tốt và tương đối ổn định để phù hợp với điều kiện tài chính có hạn của các gia đình Việt Nam”. GS thẳng thắn cho rằng, trong kinh tế, “dân doanh” không thể cạnh tranh với “quốc doanh” được về mặt tiếp cận nguồn lực và lo ngại phương án Bộ đưa ra vẫn thể hiện tư duy “dân doanh-quốc doanh”.
GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, cho rằng nếu Bộ đứng ra biên soạn bộ SGK rồi lại là đơn vị đứng ra thẩm định thì sẽ để xảy ra tình trạng “con đẻ – con nuôi”. Theo ông, hiện nay, ngoài Nhà xuất bản Giáo dục thì chúng ta còn có nhiều nhà xuất bản khác như của ĐH Quốc gia, các trường ĐH Sư phạm có thể làm tốt việc biên soạn SGK.
GS.TS Hoàng Văn Vân, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định đây là chủ trương phù hợp, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Ông đề nghị dự thảo Đề án cụ thể hóa hơn nữa chủ trương này, giải đáp một loạt câu hỏi như: Các nhà xuất bản nước ngoài có được phép tham gia hay không? Các cá nhân người Việt Nam có được phép hợp tác với tổ chức hay cá nhân nước ngoài đầu tư vào viết sách ở Việt Nam hay không? Một tổ chức hay một cá nhân có thể viết nhiều bộ sách của một môn học không? Các tỉnh có được thành lập hội đồng thẩm định sách có sự giám sát và kiểm tra của Bộ GD&ĐT theo chương trình của Bộ ban hành đê sử dụng cho địa phương mình hay tất cả sách đều phải thẩm định bởi những hội đồng thẩm định do Bộ GD&ĐT thành lập và do Bộ trưởng phê duyệt?…
Ngoài những góp ý về nội dung, cách thức thực hiện, các chuyên gia cũng băn khoăn việc ai sẽ là người có quyền lựa chọn bộ SGK đưa vào sử dụng tại các địa phương hay các trường. Sẽ rất khó nếu như Bộ GD&ĐT biên soạn bộ SGK bởi theo hệ thống “nếu ông Bộ trưởng đã chọn thì Giám đốc sở sẽ chọn, Giám đốc sở chọn thì Trưởng phòng giáo dục phải chọn theo rồi đến hiệu trưởng, giáo viên dù muốn dù không cũng phải theo”, GS.VS Phạm Minh Hạc phân tích. “Tôi đề nghị bổ sung một ý về việc ai được quyền chọn bộ SGK nào cho từng lớp hay từng cấp học, hay từng trường, hay từng khu vực…”
GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho biết Ủy ban với tư cách là cơ quan thẩm tra sẽ cùng với ban soạn thảo cân nhắc và bổ sung quy định về việc thẩm quyền quyết định chọn SGK.
Theo Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014, ngày 28-8, về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, Chính phủ nhất trí thông qua, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện Đề án, thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí. Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dự thảo đưa ra 2 phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó, phương án 1 là Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1. |
Ý kiến ()