Nhiều biện pháp thiết thực trong quản lý, sử dụng xăng dầu
Những năm gần đây, công tác bảo đảm xăng dầu của Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) gặp nhiều khó khăn do nhu cầu sử dụng thường xuyên lớn, trong khi nguồn bảo đảm của trên có hạn, kho chứa trữ còn thiếu, nhiều kho chưa được xây dựng cơ bản.
Trước thực trạng đó, ngành xăng dầu sư đoàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý, sử dụng xăng dầu hiệu quả, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ.
Trung tá Nguyễn Việt Tiến, Trưởng ban Xăng dầu (Phòng Hậu cần, Sư đoàn 371) cho biết: “Một trong những biện pháp mà ngành xăng dầu đơn vị rất coi trọng đó là việc phân bổ hạn mức, bảo đảm chính xác, hợp lý cho các nhiệm vụ. Cùng với việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao ý thức tiết kiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, Ban Xăng dầu luôn chủ động hướng dẫn các đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm, phối hợp với các ngành nghiệp vụ xây dựng nhu cầu xăng dầu sát với thực tế. Sau khi quân chủng giao hạn mức, ban phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phân bổ hạn mức xăng dầu cho từng ngành, từng nhiệm vụ, đơn vị, báo cáo chủ nhiệm hậu cần trình chỉ huy sư đoàn phê duyệt. Để bảo đảm phân bổ hạn mức chính xác, cơ quan xăng dầu tính toán kỹ lưỡng nhu cầu xăng dầu đến từng công việc, của từng đơn vị”.
![]() |
Cán bộ Ban Xăng dầu (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân) kiểm tra công tác tiếp nhận xăng dầu tại khu vực bể chứa. Ảnh: QUANG HUY |
Theo Trung tá Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm Hậu cần sư đoàn: Quá trình bảo đảm xăng dầu, sư đoàn chỉ đạo các đơn vị bám sát hạn mức được giao, tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng tâm, đơn vị đóng quân trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình bảo đảm để có biện pháp xử lý. Đơn vị thực hiện nghiêm quy chế bảo đảm, quản lý, sử dụng xăng dầu do Tư lệnh quân chủng ban hành, gắn với trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân. Trừ các nhiệm vụ đột xuất, mỗi khi có nhu cầu sử dụng xăng dầu, các bộ phận đều lập kế hoạch trước một tuần, thông qua chỉ huy đơn vị phê duyệt; tuyệt đối không sử dụng xăng xe công phục vụ các nhu cầu, công việc cá nhân, lễ hội…
Khi tổ chức đoàn đi công tác trên cùng lộ trình, thời gian, các đơn vị phải bố trí xe tập thể; xe tải phải kết hợp chở hàng hai chiều, cho nhiều nhiệm vụ, tận dụng tối đa tải trọng cho phép. Đặc biệt, những đầu xe, máy thường xuyên tiêu thụ xăng dầu quá định mức từ 30% trở lên, Ban Xăng dầu kiến nghị với cấp có thẩm quyền đưa đi xưởng sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, Ban Xăng dầu còn phối hợp với các cơ quan, bộ phận thường xuyên giám sát hoạt động của phương tiện như thống kê giờ nổ máy, số ki-lô-mét xe chạy, nhằm bảo đảm xăng dầu được sử dụng đúng mục đích, đúng nhiệm vụ, chống thất thoát, lãng phí…
Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống kho chứa xăng dầu, Trung tá Nguyễn Việt Tiến chia sẻ: “Khi thời tiết mùa hè nắng nóng, toàn bộ hệ thống bể chứa đều được phun nước làm mát bằng hệ thống bán tự động; đơn vị chuyển lịch tiếp nhận, cấp phát nhiên liệu sang buổi sáng sớm hoặc chiều tối để hạn chế bay hơi. Bể chứa xăng dầu thường xuyên chứa đầy và sử dụng gọn theo từng bể; có đủ thiết bị an toàn và được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; hệ thống sổ sách, bảng chỉ tiêu, quy cách chất lượng từng chủng loại nhiên liệu cũng luôn được ghi chép, theo dõi đầy đủ”.
Để bảo đảm tốt chất lượng xăng dầu, sư đoàn duy trì nghiêm nền nếp kiểm nghiệm chất lượng khi nhập, xuất và định kỳ một tháng/lần trong suốt quá trình bảo quản, thông qua hệ thống phòng hóa nghiệm; chủ động lập kế hoạch cấp phát, đổi hạt theo đúng nguyên tắc. Nhờ các biện pháp đồng bộ trên, 5 năm gần đây, sư đoàn luôn bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chủng loại xăng dầu thực hiện nhiệm vụ; 100% phân đội sử dụng xăng dầu đúng hạn mức. Ngoài hạn mức tiết kiệm theo quy định, đơn vị còn tiết kiệm được gần hàng chục nghìn lít nhiên liệu, trị giá hàng tỷ đồng.

Ý kiến ()