Nhiều biện pháp đấu tranh bảo vệ rừng ở tỉnh Ðồng Nai
|
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 200 nghìn ha rừng, tập trung chủ yếu ở phía bắc tỉnh, thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán. Hiện trên địa bàn tỉnh có hai khu rừng lớn tập trung các loài động, thực vật quý hiếm là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Tuy nhiên, tại đây, tình trạng săn bắt, bẫy thú, giết hại động vật hoang dã, cưa trộm gỗ, đào trộm cây rừng làm cây cảnh… diễn ra rất phức tạp. Theo những người phụ trách khu rừng này, mỗi năm phát hiện, thu gom hơn 30 nghìn bẫy chim, thú rừng. Thực tế, vẫn còn lượng lớn bẫy trong rừng chưa được phát hiện, gỡ bỏ.
Tình hình sản xuất mua bán, sử dụng các phương tiện săn bắt, bẫy thú diễn ra hết sức nghiêm trọng. Thú rừng và thịt thú rừng có lúc bày bán công khai. Ở huyện Định Quán còn xảy ra tình trạng băm gốc, đổ hóa chất làm hàng chục ha cây rừng bị chết và người ta lấy đất này làm rẫy.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, từ tháng 1-2008 đến 6-2010, toàn tỉnh xảy ra hơn 1.600 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. Điển hình là nhóm hơn chục đối tượng ngang nhiên vào Vườn quốc gia Cát Tiên cưa trộm hơn 15 m3 gỗ Gõ đỏ, là loại gỗ đặc biệt quý hiếm. Ngoài ra cũng đã phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai bảy con voi rừng bị chết, nghi do ngộ độc thức ăn.
Để bảo vệ rừng và các loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, các đơn vị chủ rừng đã nhiều lần gửi văn bản đến Công an tỉnh Đồng Nai. UBND tỉnh Đồng Nai thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra, truy quét, bảo vệ rừng do Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Đại tá Nguyễn Phi Hùng, làm Trưởng ban với sự tham gia của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quân sự địa phương, chính quyền cơ sở… Ban chỉ đạo đã khảo sát tình hình thực tế về vi phạm pháp luật bảo vệ rừng tại các địa phương, qua đó, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm làm cơ sở xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp thực hiện. Ban chỉ đạo lập ra tám tổ công tác ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và ở các địa phương. Để có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm, Ban chỉ đạo tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản nghiêm cấm sử dụng các loại bẫy thú và súng săn; nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ, xuất nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ khai thác từ rừng tự nhiên, phổ biến trong các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân để mọi người biết và chấp hành. Các tổ công tác phối hợp các chủ rừng, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền và tổ chức kiểm danh, kiểm diện, răn đe số đối tượng có dấu hiệu vi phạm hoặc đã bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. Huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú đưa ra xét xử công khai, lưu động ba vụ án vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng, thu hút gần 1.000 người tham dự.
Qua hơn bốn tháng thực hiện cao điểm (từ 1-1-2011 đến 15-5-2011) Ban chỉ đạo tỉnh Đồng Nai đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức triệt phá các băng, ổ nhóm, bắt giữ 83 vụ, 122 đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, tạm giữ 261 m3 và gần 3.000 kg gỗ các loại, 200 kg động vật rừng còn sống cùng nhiều loại tang vật khác. Điển hình là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra chi nhánh doanh nghiệp tư nhân Phát Lộc, ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa do Trần Văn Sinh đứng đầu. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này có hơn 800 m3 gỗ các loại và gỗ thành phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp Phát Lộc còn cho 12 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuê mặt bằng và gia công cưa xẻ đều không có đăng ký hoạt động, trong đó, số gỗ tại các doanh nghiệp này có hơn 1.700 m3. Công an tỉnh đang xác minh về nguồn gốc, xuất xứ, nơi khai thác… liên quan đến số gỗ này. Bước đầu, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 doanh nghiệp liên quan, số tiền 32 triệu đồng. Ngày 12-5-2011, Công an huyện Định Quán kiểm tra xe ô-tô biển kiểm soát 37S-5216 do Phan Văn Vinh điều khiển vận chuyển 157 phách và bốn lóng gỗ trắc có khối lượng hơn 17 m3. Tại Công an huyện, đối tượng Trần Ngọc Hiệu, là chủ số lâm sản đã nhiều lần đưa hối lộ cho đồng chí Trường, cán bộ Công an huyện 46 triệu đồng và xin giải quyết cho xe vận chuyển gỗ đi. Đồng chí Trường đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo Công an huyện và lập biên bản phạm tội quả tang đối với Hiệu về hành vi đưa hối lộ. Kết quả xác minh bước đầu, công an đã xác định số gỗ trắc trên không có nguồn gốc hợp pháp và đã khởi tố điều tra Hiệu về hành vi đưa hối lộ. Trong đợt cao điểm này, đã khởi tố điều tra tám vụ, 24 bị can, xử lý hành chính 49 vụ, số còn lại chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. Các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, tháo gỡ hơn 1.000 sợi bẫy cùng nhiều dụng cụ, phương tiện bẫy thú rừng. Công an huyện Vĩnh Cửu đang phối hợp Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và các ngành chức năng điều tra, xác minh hai vụ vi phạm pháp luật quản lý, bảo vệ rừng…
Tuy nhiên, khó khăn và hạn chế trong cao điểm này là do địa bàn rộng, các tổ công tác không đủ lực lượng đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản nên các cơ sở này đã thông báo cho nhau cất giấu lâm sản có nguồn gốc không hợp pháp do vậy kết quả kiểm tra bị hạn chế. Vấn đề nữa là vùng giáp ranh giữa khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng có chiều dài hàng trăm km. Hiện nay rừng hầu như không còn nên Khu bảo tồn và Vườn quốc gia mất đi vùng đệm là áp lực rất lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, trong khi đó, công tác phối hợp giữa các tỉnh chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Qua trao đổi ý kiến với Trung tá Phan Trọng Lộc, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Đồng Nai, được biết: Để bảo vệ rừng và tài nguyên rừng hiệu quả hơn, tới đây, đơn vị tiếp tục phối hợp ngành chủ quản khảo sát, xây dựng phương án, kế hoạch, đề xuất biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với hành vi vi phạm một cách toàn diện và triệt để hơn.
Ý kiến ()