Nhiều biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng
LSO-Sau hơn 5 năm thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh đã chủ động tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hoàn lương, hòa nhập cộng đồng.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho phạm nhân tại Trại tạm giam thuộc Công an tỉnh |
Thượng tá Hoàng Văn Hẳn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh cho biết: Qua nắm bắt tình hình, người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) khi trở về nơi cư trú thường có tâm lý tội lỗi, tự ti. Do đó, họ cần được xã hội quan tâm, cảm thông để có cơ hội vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời. Với ý nghĩa đó, hơn 5 năm qua, thực hiện Nghị định số 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ, giai đoạn 2011 – 2017 trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực đảm bảo cho người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng.
Được cán bộ công an động viên, tuyên truyền pháp luật nên trong thời gian vướng vòng lao lý, anh Nguyễn Văn B xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng đã cố gắng cải tạo tốt. Trở về nơi cư trú sau 3 năm chấp hành án phạt tù, từ năm 2011, anh B vay vốn ngân hàng, đầu tư trồng rừng, trồng na trên diện tích trên 1,5 ha. Đến nay, mô hình trồng trọt của anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 – 20 lao động; thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Thời gian đầu trở lại đời thường sau khi CHXAPT, cuộc sống của anh Bế Văn Q ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định gặp nhiều khó khăn. Chính lúc ấy, nguồn vốn vay từ Hội Nông dân, những lời động viên của đoàn thể, lực lượng công an đã giúp anh xóa bỏ mặc cảm, đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ năm 2011 đến nay, gia đình anh thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, 3 người con của anh đều học trường chuyên nghiệp, có việc làm ổn định.
Để những người như anh B, anh Q sớm hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, ngay từ khi còn ở Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh, phạm nhân đều được hướng nghiệp, lao động cải tạo những công việc phù hợp với khả năng. Từ năm 2011 đến nay, Trại tạm giam thuộc Công an tỉnh đã tổ chức 38 buổi giáo dục, tư vấn pháp luật, kỹ năng tìm kiếm việc làm, định hướng nghề nghiệp cho trên 1.260 lượt phạm nhân; tổ chức dạy nghề (thợ sắt, sản xuất gạch, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm…) để sau khi CHXAPT, người hoàn lương có thể tự kiếm việc làm. Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Vì ngày mai tươi sáng”, thi viết thư “Gửi lời xin lỗi”, viết tự truyện phạm nhân, tổ chức chiếu phim, đọc sách thư viện… để giáo dục, hướng phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt.
Việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục người CHXAPT về cư trú được quan tâm, nhất là cấp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, đăng ký cư trú kịp thời để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định pháp luật. Từ năm 2011 đến tháng 11/2017, đã có trên 4.500 lượt người CHXAPT trở về nơi cư trú được đăng ký hộ khẩu, gần 500 người được cấp giấy chứng minh nhân dân… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tự nguyện tiếp nhận người lao động là người CHXAPT, giúp họ có việc làm ổn định như Công ty TNHH Bảo Long, Công ty TNHH Thịnh Lộc…; người hoàn lương giúp đỡ nhau tạo công ăn việc làm như anh: Nguyễn Ngọc Đ ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định tạo việc làm cho 8 người với mô hình làm gỗ nội thất; Lục Văn Th ở xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tạo việc làm cho 6 người với mô hình cung cấp vật liệu xây dựng… Nhiều huyện cũng có cách làm thiết thực để động viên người CHXAPT tự tin hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu như: Công an huyện Bắc Sơn, huyện Tràng Định… tổ chức buổi gặp mặt giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã, thị trấn với CHXAPT để ghi nhận tâm tư, nguyện vọng và đề xuất chính đáng của người CHXAPT với các cấp, các ngành để có cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống…
Điều đáng mừng là tháng 9/2017, “Quỹ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người CHXAPT tỉnh Lạng Sơn” được thành lập với số tiền quỹ ban đầu được Nhà nước hỗ trợ là 1 tỷ đồng. Nguồn quỹ sẽ góp phần giúp người CHXAPT có cơ hội đầu tư sản xuất, tạo việc làm, ổn định đời sống.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh, sau 5 năm thực hiện Nghị định 80, gần 920 người CHXAPT có việc làm thường xuyên; tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật dưới 1,3%, thấp hơn mức trung bình của cả nước. |
THANH HÒA
Ý kiến ()