Nhiều bếp ăn chưa thể “nổi lửa”
Nhân viên phục vụ Trường PT DTBT cấp THCS xã Thiện Long (Bình Gia) chuẩn bị bữa ăn cho học sinh |
Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết, tính đến ngày 11/9/2014, tức là chỉ sau khai giảng đúng 1 tuần, toàn huyện đã có 12/14 trường DTBT cấp THCS, 13/18 trường phổ thông DTBT cấp tiểu học và 4 trường MN tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, ngoài ra còn 4 trường tiểu học có phụ huynh giúp đỡ nên đã tổ chức được bữa ăn bán trú. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Bình Gia, việc tổ chức ăn bán trú đã được thực hiện ngay sau những ngày thực học của cuối tháng 8. Sở dĩ tổ chức được sớm là các trường đã có đội ngũ nhân viên phục vụ khá ổn định, hợp đồng dài hạn, nên đã sẵn sàng phục vụ ngay từ những ngày đầu. Cô Hoàng Thị Nhung, nhân viên phục vụ Trường Phổ thông DTBT cấp THCS xã Thiện Long cho biết: cô đã ký “hợp đồng 44” với nhà trường với mức lương, phụ cấp là 2 triệu 393 ngàn đồng/ tháng, năm học mới cũng là thời gian các cô bắt đầu công việc ổn định của mình. Thầy giáo Bạch Ngọc Tĩnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: tuy là vùng sâu, vùng khó khăn song “thực phẩm cơ bản” bao giờ cũng có với thịt lợn, đậu, rau củ… tại địa phương và được ký hợp đồng ổn định; do có chiếc xe máy đi trường nên tiện thể anh mua thêm rau xanh ở thị trấn chở vào cung cấp cho bếp ăn. Không chỉ ở Bình Gia mà huyện Hữu Lũng cũng cơ bản đưa các bếp ăn tập thể vào nền nếp. Cô Trần Thị Kim Ánh, Phó Phòng GD&ĐT huyện cho biết: toàn huyện có 48 bếp ăn tập thể và những ngày đầu năm học mới, hầu hết các bếp đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy chưa có chỉ tiêu hợp đồng nhân viên phục vụ và cấp học MN vẫn còn thiếu giáo viên, song các nhà trường đã linh hoạt mời các nhân viên đã làm việc từ năm học trước, huy động cả các bậc phụ huynh tham gia nấu ăn cho các cháu. Đây tuy là “việc chẳng đừng” song trước sức ép của các bậc cha mẹ về ăn bán trú cho con cái mình, đội ngũ nhân viên phục vụ cũng rất sẵn lòng để có được bữa ăn trưa và ở bán trú, giảm thiểu tình trạng phụ huynh đưa đón con 2 buổi rất mất thời gian.
Khác với các trường trên địa bàn huyện Bình Gia và Hữu Lũng, mặc dù đã có sự chuẩn bị rất chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị cấp dưỡng, song do thiếu giáo viên cấp học MN và chưa hợp đồng được nhân viên cấp dưỡng nên các nhà trường ở Văn Quan và Bắc Sơn chưa thể hoạt động được. Trao đổi với chúng tôi, cô Lành Thị Huệ, Phó Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan nói rằng, các trường trên địa bàn “củi, gạo đã sẵn sàng” song mới chỉ có lác đác một vài bếp đã có thể “nổi lửa”. Đối với Bắc Sơn, tình hình còn gay go hơn. Cô Dương Thị Luận, Hiệu trưởng Trường MN Vũ Sơn than phiền, như mọi năm, đầu tháng 9 đã có thể tổ chức ăn cho các cháu; song năm nay ngoài 4 giáo viên theo biên chế, nhà trường vẫn còn thiếu tới 4 giáo viên hợp đồng và 4 nhân viên nấu ăn, song vẫn chưa thấy “trên” có ý kiến gì. Người dân Vũ Sơn hầu hết là làm nông lâm nghiệp trong các lân lũng sáng đi chiều về; song giờ đây họ phải bỏ dở công việc để có thể về đưa đón con 4 lần mỗi ngày, nên họ “kêu” quá. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Tiến Đức, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện nói rằng, không riêng Vũ Sơn mà tất cả các trường có bán trú trên địa bàn đều chưa thể tổ chức ăn bán trú được. Ông cho biết, trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, Phòng GD&ĐT đã tổng hợp và ngày 25/8/2014 trình UBND huyện với số lượng 83 nhân viên phục vụ; huyện đã trình Sở Nội vụ và ngày 8/9/2014 mới nhận được hướng dẫn. Tuy nhiên trong hướng dẫn này ghi rằng “Đối với nhân viên thừa hành, phục vụ: Thực hiện theo Nghị định 68/2000NĐ-CP, ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp… Đơn vị tự đảm bảo cân đối trong dự toán được giao và các nguồn khác để chi trả”. Đã có hướng dẫn, song từ hướng dẫn đến duyệt về số lượng từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến trường vẫn còn là vấn đề thời gian. Hơn nữa nhiều hiệu trưởng tự hỏi, liệu vấn đề “tự cân đối” theo hướng dẫn của Sở Nội vụ có đưa các nhà trường vào thế khó vì không có kinh phí chi trả hay không?
Tuyển dụng, hợp đồng đội ngũ giáo viên, nhân viên là một phần quan trọng trong công tác chuẩn bị cho năm học mới và vấn đề này cần phải được thực hiện từ cơ sở từ cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, song đến ngày 25/8 (đã bắt đầu vào tuần thứ 2 thực học) Phòng GD&ĐT Bắc Sơn mới trình UBND huyện về số lượng, như vậy có phải là quá chậm hay không? Điều đó cho thấy, vấn đề có đội ngũ phục vụ để các bếp ăn tập thể của ngành GD&ĐT sớm đi vào hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào công tác tham mưu của phòng GD&ĐT và sự năng động của các nhà trường.
Ý kiến ()