Thua trên “sân nhà”
Phim hoạt hình là thể loại có lượng khán giả đông đảo ở nhiều độ tuổi. Các quốc gia nổi tiếng về công nghệ làm hoạt hình như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… mỗi năm đều cho ra đời những bộ phim “bom tấn” không chỉ hút người xem trong nước mà còn được khán giả cả thế giới trông chờ, thu về nguồn lợi khổng lồ. Ở Việt Nam, theo thống kê của các hệ thống rạp khoảng 5 năm trở lại đây, danh sách 10 phim doanh thu cao nhất trong năm luôn luôn có tên của một hoặc hai sản phẩm hoạt hình. Nhưng đáng tiếc, đó vẫn hoàn toàn là “sân chơi” của các bộ phim đến từ Hô-li-út (Mỹ).
Dù Việt Nam tự hào có một trong những hãng phim hoạt hình ra đời khá sớm ở khu vực Ðông – Nam Á và từng giành một số giải thưởng quốc tế từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, song hiện nay hoạt hình Việt vẫn là mảnh đất được khai phá chưa xứng với tiềm năng. Trong khi nhiều nhân vật hoạt hình “ngoại” tạo cơn sốt phòng vé, đi kèm là trang phục, đồ chơi, bài hát hay sách truyện ăn theo…, thì thật khó để kể ra tên nhân vật hoặc bộ phim thuần Việt được các khán giả nhí nhớ đến và mến mộ. Vào mỗi dịp hè, phim hoạt hình Việt được chiếu thành những đợt phim, cụm phim ngắn ở một số rạp với giá vé rất rẻ, nhưng lượng khách thưa thớt. Hoạt hình Việt cũng “lép vế” trên truyền hình, nếu có chiếu thì vào những khung giờ khó thu hút khán giả thiếu nhi. Ðược biết, mỗi năm Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, cổ phần hóa xong vào giữa năm 2017 với khoảng 90% cổ phần vẫn do Nhà nước nắm giữ) thực hiện từ 12 đến 15 phim theo đặt hàng của Nhà nước, hầu hết mang tính giáo dục, với đề tài lịch sử dân tộc hoặc chất liệu cổ tích… Tuy nhiên, do chi phí đầu tư còn hạn chế, thời lượng quá ngắn (chỉ từ 5 đến 20 phút mỗi phim) cùng cách triển khai nội dung còn khô cứng, giáo điều, nên tạo cảm giác nhàm chán, chưa thật sự hấp dẫn các em nhỏ vốn đang sẵn vô vàn lựa chọn giải trí trong thời đại công nghệ phát triển. Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Kịch bản của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thừa nhận, chúng ta đang “khát” những kịch bản hay, thú vị. Hằng năm đều có các cuộc thi, trại sáng tác nhưng chất lượng chỉ ở mức trung bình – khá. Phải “so bó đũa, chọn cột cờ”, mãi mới lọc ra được một số đủ tiêu chuẩn để đưa vào sản xuất.
Có thể thấy, ước mơ đưa phim hoạt hình Việt Nam ra rạp còn rất xa vời. Năm 2016, người yêu điện ảnh nước nhà từng khấp khởi vui mừng khi dự án sản xuất phim hoạt hình dài tựa đề Dưới bóng cây: Hành trình trở về được công bố, rục rịch khởi động. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin gì mới về việc sản xuất bộ phim. Hay như dự án phim hoạt hình chiếu rạp Tôi là Bê tô (chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) được kỳ vọng nhưng cũng “im hơi lặng tiếng” vì nhiều lý do. Một số ít phim như: Vào hang kiến (60 phút), Người con của rồng (90 phút) cũng là những đột phá của hoạt hình Việt Nam, song mới mang tính thử nghiệm, chỉ được làm vào những dịp kỷ niệm vì kinh phí quá cao. NSND, đạo diễn Phương Hoa, Trưởng Ban giám khảo phim hoạt hình Giải Cánh diều 2017 vừa qua chia sẻ: “Các sản phẩm tinh thần dành cho trẻ em không thể đòi hỏi có lãi ngay mà trước hết phải nhìn nhận ở giá trị cốt lõi là nhằm góp phần xây dựng, đào tạo. Nếu Nhà nước coi phim hoạt hình là công cụ nghệ thuật để giáo dục con người thì nên đầu tư kỹ lưỡng hơn, phải có quỹ riêng tài trợ và đặt ra mục tiêu lớn hơn cho những người làm phim hoạt hình. Nếu không được đầu tư một khoản tiền đủ làm phim truyện hoạt hình dài, có thể ra rạp thì chinh phục khán giả trong nước còn khó, chưa nói đến chuyện xuất khẩu ra nước ngoài”.
Mạch ngầm sáng tạo và hướng đi mới
Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào sức trẻ và đam mê sáng tạo, cũng như sở hữu các công nghệ làm phim tiên tiến của khu vực và thế giới. Trên thực tế, nhiều tác phẩm hoạt hình quen thuộc của nước ngoài như Mickey, Igor, Rango, Chiến tranh giữa các vì sao… đều có sự góp mặt của người Việt trong đội ngũ họa sĩ, thiết kế đồ họa, kỹ thuật âm thanh… Một số hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới có đơn vị sản xuất đặt ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chẳng hạn như Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch – xê-ri phim hoạt hình Pháp từng “làm mưa làm gió” các kênh truyền hình thiếu nhi ở Việt Nam và nhiều nước châu Âu, châu Á – được đặt hàng gia công tại một số xưởng phim ở TP Hồ Chí Minh. Có khả năng và phương tiện, nhưng còn rất nhiều trở ngại để các hoạ sĩ, nhà làm phim hoạt hình Việt Nam chứng tỏ bản thân ở thị trường phim trong nước. NSND Hà Bắc – người có hơn 40 năm làm phim hoạt hình quan niệm, điều quan trọng nhất là cần thay đổi cả về tư duy, cách làm. Lắng nghe nhu cầu khán giả và thay đổi cách tiếp cận là hướng đi tất yếu của các nhà
làm phim.
Phim hoạt hình Nhà nước và tư nhân không có sự khác biệt và chênh lệch nhau quá nhiều như ở thể loại phim điện ảnh. Tuy nhiên, phim tư nhân sản xuất có thể “dễ thở” hơn một chút vì không bị ràng buộc về vấn đề thời lượng, bản quyền phát hành. Mặt khác, còn có thể huy động được kinh phí từ nhiều nguồn, chẳng hạn từ chiến dịch quảng cáo của các doanh nghiệp hay gây quỹ cộng đồng. Khoảng ba năm gần đây, thị trường phim hoạt hình Việt Nam có phần sôi động và đa sắc hơn nhờ sự nhập cuộc của các đơn vị tư nhân. Mặc dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng mỗi xưởng phim lại có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng làm phong phú sản phẩm, mang lại cho khán giả nhỏ tuổi những món ăn tinh thần thú vị và sự cảm nhận đa chiều. Nổi bật trong việc tự sản xuất các nội dung cho mình hiện có Hi Pencil Studio (với loạt phim hoạt hình Xin chào bút chì, Ðiều chúng mình chưa biết, chùm phim ngắn Truyện cổ tích Việt Nam và thế giới, Bác Sago và những người bạn) và Colory Animation (với phim ngắn Dưới bóng cây hay xê-ri phim Cùng là dũng sĩ). Không chỉ được yêu thích trên truyền hình (kênh HTV7 của Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh), phim hoạt hình của Hi Pencil Studio còn rất được mến mộ trên YouTube với hàng chục triệu lượt xem và hơn 472 nghìn tài khoản đăng ký theo dõi thường xuyên. Nữ đạo diễn 9X Huỳnh Thanh Thanh, một trong hai người sáng lập Hi Pencil Studio, cho hay: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất và đẩy mạnh việc phát trên YouTube hoặc các ứng dụng nội dung như HiPencil hay BiboTV”.
“Hiện tượng” của làng hoạt hình là bộ phim Con Rồng cháu Tiên (Hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa sản xuất), sau khi ra mắt năm 2017 đã thu hút hơn 9 triệu lượt người xem trên YouTube cùng hàng chục nghìn lượt chia sẻ với nhiều phản hồi tích cực. Vẫn dựa trên truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam nhưng bộ phim dài 23 phút được đầu tư tới hai tỷ đồng và ê-kíp làm phim hơn 100 người. Sản phẩm có tạo hình bắt mắt, âm thanh và chuyển động sinh động, mượt mà. Có thể nói rằng với ưu thế chi phí thấp, tính tương tác nhanh và khả năng lan tỏa, chia sẻ lớn, YouTube hay một số ứng dụng nội dung khác đang được xem là một hướng đi để phim hoạt hình Việt Nam tiếp cận và chinh phục khán giả. Không đứng ngoài cuộc, gần 500 bộ phim hoạt hình của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất cũng được đưa đầy đủ lên kênh YouTube riêng của hãng, trong đó phim Bố của gà con (sản xuất năm 2014) đang đứng đầu với 43,3 triệu lượt xem, Sự tích hồ Ba Bể và Chú mèo thông minh cùng có hơn 21 triệu lượt… Xê-ri Chat và Bop với 200 tập (mỗi tập thời lượng khoảng 3 phút) do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam kết hợp một số đối tác sản xuất cũng thu hút hàng chục triệu lượt xem, cho thấy nhu cầu lớn của khán giả với các bộ phim hoạt hình thuần Việt. Mới đây, Hạc Thần Studio giới thiệu xê-ri hoạt hình lịch sử Loa thành rực lửa với độ dài 5 tập dự kiến ra mắt vào tháng 7 tới. Phim có sự pha trộn giữa yếu tố giả tưởng (vượt thời gian) và chất liệu lịch sử để tạo ra những chuyến phiêu lưu thu hút khán giả nhí. Cùng thời điểm, nhóm Ðuốc Mồi – đơn vị sản xuất của xê-ri phim hoạt hình lịch sử Việt sử kiêu hùng (qua hình thức gây quỹ cộng đồng) cũng cho ra mắt trailer (trích đoạn giới thiệu) bộ phim tiếp theo mang tên Huyết mạch Trần gia, sau khi Tử chiến thành Ða Bang – Hồi 1: Giấy được đón nhận với gần 124 nghìn lượt xem…
Có tiềm năng lớn nhưng bị phim ngoại áp đảo, chưa được đầu tư mạnh mẽ, khâu quảng cáo ít được chú trọng, đó là những tồn tại của phim hoạt hình Việt Nam, dù nội dung, công nghệ hay nhân sự đã được cải thiện. Ðể có bước đột phá chắc chắn cần thêm thời gian, kinh phí… cũng như sự chung tay của những người làm nghề, nhà đầu tư. Các nhà làm phim cũng rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ của cơ quan quản lý để tạo ra sản phẩm nghệ thuật có giá trị tôn vinh tinh thần, văn hóa Việt Nam; đưa phim hoạt hình nước nhà phát triển tương xứng với tiềm năng và thỏa lòng mong đợi của khán giả mọi lứa tuổi.
Ý kiến ()